Quy định tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2011, song sau gần 1 năm, Luật thi hành án bằng hình thức này vẫn chưa thể thực hiện được.


Ngày 8/6, theo thông tin từ Bộ Công an, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào trong số gần 400 tử tù bị thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc dù quy định đã có hiệu lực gần 1 năm nay.

Theo đánh giá, chưa bao giờ số lượng tử tù cả nước lại tồn đọng lớn như hiện nay. Trong đó có hơn 100 tử tù đã được hoàn tất đầy đủ thủ tục, chỉ ngồi chờ Bộ Y tế nhập thuốc để thi hành án.


Một phòng thi hành án tiêm thuốc độc tại Mỹ

Sự chậm trễ của ngành y tế đã vô tình đẩy ngành công an vào thế khó, khi số lượng tử tù ngày một tăng, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trong khi theo báo cáo, để chuẩn bị cho việc tử hình bằng tiêm thuốc độc, đến nay Bộ Công an đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sử dụng các nhà thi hành án tử bằng phương pháp tiêm thuốc tại TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk, Sơn La và Nghệ An. Đội ngũ thi hành án cùng các trang thiết bị phục vụ thi hành án cũng đã được lắp đặt đầy đủ.

Theo quy định, phạm nhân lĩnh án tử hình sẽ bị tiêm 3 thoại thuốc gồm Sodium thiopental có tác dụng gây mê, Pancuronium bromide làm tê liệt thần kinh và buông lỏng cơ bắp và Potassium chroride làm tim ngừng hoạt động.

Khi thi hành án, các cán bộ thi hành án phải chuẩn bị 3 liều thuốc trong đó có 2 liều để dự phòng trong trường hợp liều đầu tiên không đủ gây tử vong.

M.Đức (tổng hợp)