- Heather Bowser, nạn nhân da cam thế hệ 2 của Mỹ gọi hậu quả da cam/dioxin ở Việt Nam là "thảm kịch vô nghĩa". Bởi, những đứa trẻ chịu di chứng vốn không can dự vào bầu không khí chính trị những năm đầu thập niên 1960 nhưng lại phải mang gánh nặng của các quyết định cách đây 50 năm, mà ở đó Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tội lỗi.

Hội nghị quốc tế về da cam/dioxin lần hai diễn ra tại Hà Nội từ 8-9/8 với sự tham dự của 100 đại biểu thuộc 30 tổ chức khác nhau của gần 25 quốc gia.

38 tuổi, Heather Bowser may mắn hơn cha mẹ mình đó là sinh được 2 con không bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin dù chị bị di truyền từ cha (cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam từ 1968-1969) với hình hài dị sinh: không có đoạn chân phải từ gối trở xuống, nhiều ngón tay, ngón chân cái trên bàn chân trái cũng không có, những ngón chân còn lại thì đan chéo nhau.

"Mỗi buổi sáng khi tôi lắp cái chân nhân tạo của mình, tôi nghĩ về những người đã quyết định phun 20 triệu lít chất diệt cỏ ở Đông Nam Á. Quyết định của họ ngày nào cũng ảnh hưởng đến cuộc đời cá nhân tôi", người phụ nữ trẻ phát biểu .

Khi là một đứa trẻ đang lớn lên, Heather Bowser phải chịu đựng mọi sự chế giễu, trêu chọc..."Thật là một bi kịch vô nghĩa".

"Những đứa trẻ của Việt Nam cũng đối mặt với những thảm kịch vô nghĩa tương tự trong cuộc đời họ... Các trẻ em Việt Nam đối mặt với một tương lai bấp bênh, đó là hậu quả của dị tật bẩm sinh, bệnh tật, nghèo đói, và 28 điểm nóng về môi trường vẫn đe dọa các vùng nông thôn. Họ là những nạn nhân vô tội và xứng đáng phải được sống tốt hơn". Heather Bowser cho rằng cần đẩy nhanh công tác nghiên cứu ADN của thế hệ con cháu bị ảnh hưởng chất da cam để chuẩn bị cho việc ứng phó tương lai phía trước.  

Cựu binh Mỹ Ralph Steele từng là một xạ thủ bắn súng ở cửa máy bay khi mới 19 tuổi và là người tham gia phun hóa chất chết người trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Song quá khứ với thành tích tưởng mang danh vẻ vang khiến Ralph đau đớn cả thể xác và tâm tưởng suốt phần đời còn lại.

"Tôi còn nhớ một nhận xét của một cựu chiến binh tại một trong các cuộc họp của chúng tôi ở Mỹ, sau khi tôi chia sẻ câu chuyện về nhiệm vụ này, ông đã nói: "Nếu như tôi được biết trước những gì anh đang làm, tôi sẽ tự bắn cho anh rơi xuống ", Ralph kể.

Có mặt tại Hà Nội những ngày này, Ralph nói về thời gian và việc phải "chữa lành những thiệt hại gây ra".


Heather Bowser, nạn nhân da cam thế hệ 2 của Mỹ đã gọi hậu quả da cam/dioxin ở Việt Nam là "thảm kịch vô nghĩa".
Kể từ sau năm 2006, cựu binh này đã đi thăm Việt Nam, thăm các nạn nhân và nói về điều mắt thay tai nghe rằng: "Các chất hóa học đã tác động đến các gien di truyền, gây ra các đột biến được thể hiện qua con số bệnh tật to lớn. Hôm nay, một phần của đất nước này vẫn còn không thể cư trú được do ô nhiễm chất độc da cam còn lưu lại...

Nhiều năm sau, sau khi hiểu đầy đủ về sức mạnh tàn phá của chất hóa học này, người ta khó có thể hiểu nổi là tại sao chúng ta, những con người, lại có thể cho phép xảy ra một hành động như vậy... Hy vọng rằng những hậu quả ấn tượng này sẽ làm cho chúng ta trở lại với lý trí, và chấm dứt thái độ thờ ơ của chúng ta".


      Tiếp tục vụ kiện đòi công lý

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) Trần Xuân Thu cho hay VAVA đang chuẩn bị tiếp tục vụ kiện đòi công lý của các nạn nhân da cam Việt Nam. Tòa án Mỹ trước đây đã 3 lần từ chối thụ lý vụ kiện mà các nạn nhân da cam Việt Nam theo đuổi trong 6 năm. Theo ông Thu, lần này nguyên đơn sẽ là những người khác, có thể là những nạn nhân thế hệ thứ hai, bị đơn không phải là toàn thể 37 công ty hóa chất Mỹ như trước. Toà án gửi hồ sơ không phải là tòa liên bang ở New York mà có thể đệ đơn ở một tòa khác.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1964-1975), Washington và các đồng minh đã đổ 83 triệu lít chất diệt cỏ có độc tính cao lên trên nhiều trăm ngàn ha đất đai của khu vực Đông Nam Á, chủ yếu ở Việt Nam. Máy bay Mỹ đã phá hủy 25% diện tích rừng của Việt Nam bằng chất da cam. 3 triệu người bị các di chứng khuyết tật được cho là ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin.

Trước áp lực của dư luận quốc tế và Mỹ, chính phủ Mỹ đã tiến hành các bước đầu tiên tiến tới việc làm sạch một trong những điểm nóng tại Việt Nam và đã dành một khoản tiền nhỏ cho các nạn nhân. Trong 3 năm tài khóa 2007, 2009 và 2010, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn khoản tiền hỗ trợ tổng trị giá 9 triệu USD cho các chương trình hợp tác với Chính phủ Việt Nam xử lý nhiễm độc dioxin.

Theo đó, từ năm 2008 đến nay, Mỹ đã phân bổ hơn 3 triệu USD cho các chương trình y tế dành cho người khuyết tật ở Đà Nẵng. Trên cơ sở cộng tác với Chính phủ Việt Nam, Mỹ cũng đã phân bổ 6 triệu USD cho việc tẩy độc môi trường ở sân bay Đà Nẵng.

Nhưng theo bà Jeanne Mirer, đồng điều phối Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm chất độc da cam Việt Nam (Mỹ), Việt Nam hiện còn 28 điểm nóng về dioxin cần phải được làm sạch.

"Nhu cầu đòi hỏi rất nhiều, rất nhiều tiền hơn nữa. Nhưng điều còn cấp bách hơn là sự chú ý đến yêu cầu của ba thế hệ nạn nhân tại hầu hết các tỉnh ở Việt Nam. Những nạn nhân này đang sống cùng với một loạt bệnh tật và khuyết tật rất khó hình dung nổi. Nhiều gia đình hiện nay có cả ông bà già, cha mẹ và con cái đều là nạn nhân chất độc da cam...

Chúng tôi tin rằng Mỹ phải gánh vác trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh bằng cách dành nhiều hơn nữa sự hỗ trợ đáng kể cho các nạn nhân tại Việt Nam..",
bà nói.

Bà cho hay, Ban Vận động đang kêu gọi xây dựng một chiến dịch quốc gia nhằm hối thúc Quốc hội Mỹ tài trợ cho một chương trình y tế và phục hồi chức năng cộng đồng toàn diện cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và tiến hành làm sạch tất cả các điểm nóng nhiễm độc.

Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin ước tính cần 300 triệu USD để giải quyết "một phần đáng kể" các vấn đề liên quan hậu quả chất độc da cam/dioxin trong 10 năm tới. Theo nhóm này, nguồn kinh phí nên do Chính phủ Mỹ đóng vai trò đáp ứng chính. Ngoài ra sẽ kêu gọi tài trợ từ các nhà tài trợ công và tư nhân khác, bổ sung cho sự đầu tư của Chính phủ và người dân Việt Nam.   

Người Mỹ gốc Việt làm phim da cam gửi Tổng thống Obama

John Trinh, một đạo diễn người Mỹ gốc Việt đã gửi bộ phim do ông sản xuất có tựa đề "Chất độc da cam: 30 năm sau" cho Tổng thống Obama, các thượng nghị sĩ và nhân vật nổi tiếng ở Mỹ với hy vọng qua đó giúp đỡ các nạn nhân da cam/dioxin ở Việt Nam.

Mặc dù chưa nhận được phúc đáp nhưng ông John tin rằng "người ta đã nghe được tiếng nói của tôi". Bộ phim đã đến với 20 liên hoan phim quốc tế, được nhiều giải thưởng của Mỹ và thế giới.

"Điều đó nói với tôi rằng mọi người trên thế giới không chỉ tin rằng câu chuyện về chất da cam - là một loại vũ khí hóa học đồng thời là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đó là một câu chuyện cần phải được kể ra", ông John chia sẻ.
Xuân Linh