- Dáng người cao dong dỏng, gương mặt đẹp, nước da trắng mịn màng, giá như Nguyễn Thị Mạnh không vướng vòng lao lý hẳn cô đã khiến nhiều trái tim phải rung động …

Nước mắt người đẹp chốn lao tù

Mặc dù đã gắng kiềm chế cảm xúc, nhưng khi nhắc đến người mẹ tội nghiệp ở quê, Nguyễn Thị Mạnh (SN 1987, ở Bắc Ninh) vẫn không thể cầm được nước mắt.

Theo lời tâm sự của Mạnh, chỉ vì mong muốn nhanh kiếm được tiền trả món nợ mà vì nó mẹ cô đã phải khốn khổ nên Mạnh đã sa chân vào đường dây buôn người, để rồi giờ đây cô phải trả giá bằng quãng thời gian xuân sắc phải vùi mình chốn lao tù.

 

Nguyễn Thị Mạnh trong trại giam (Ảnh: T.Nhung)

Sinh ra ở miền quê nghèo, Mạnh lớn lên phải chịu nhiều thiệt thòi khi mẹ cô chỉ là vợ lẽ của bố. Bao nhiêu tình cảm, vật chất, người cha chỉ dành cho người vợ cả và những đứa con của người vợ trước. Còn ba mẹ con Mạnh luôn phải tủi phận trong cảnh “vợ lẽ, con rơi”.

Nhà nghèo, người mẹ chỉ biết oằn lưng với những thửa ruộng và công việc làm thuê để nuôi hai anh em Mạnh. Người cha có đấy, nhưng dường như đối với anh em Mạnh, ông không hề thấy trách nhiệm của mình.

Đã không ít lần Mạnh phải chứng kiến cảnh cha “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với mẹ cũng chỉ vì nhà nghèo, không có đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

Qua hai dòng nước mắt, Mạnh tâm sự: “ Nhiều hôm đang đêm ngủ bố cũng lôi mẹ ra đánh chửi. Hơi một tí là ông ấy đuổi ba mẹ con ra đường. Rồi không ít lần, đang bữa cơm, vì tức tối, ông ấy hất cả mâm cơm đang ăn dở của mấy mẹ con”

Mạnh lớn lên có đủ cả cha lẫn mẹ nhưng cô chưa một lần được cha gần gũi, tỏ sự yêu thương mà hàng ngày còn phải chịu sự khinh thường coi rẻ của họ hàng, làng xóm.

Mạnh tâm sự: “Nhiều lúc nhìn bạn bè có được sự quan tâm, chăm sóc, tình cảm của người cha dành cho mình, cháu muốn rớt nước mắt và cứ tự hỏi tại sao mình lại không có được tình cảm của người cha như người khác”

Để có tiền cho anh em Mạnh đi học cho bằng chúng bằng bạn, mẹ Mạnh đã phải cắn răng đến ngân hàng vay nợ số tiền hơn 20 triệu đồng. “Cũng vì món nợ này mà nhiều lần bố dằn hắt, đánh đuổi mẹ dù cho chính ông không chăm lo gì được cho hai anh em cháu”, lời cay đắng của Mạnh.

Đến tuổi trưởng thành, được bạn rủ, Mạnh đến Móng Cái kiếm việc làm thuê, những mong kiếm được chút tiền gửi về quê để mẹ trả nợ ngân hàng.

Trong thời gian bán hàng quần áo thuê cho một cửa hàng ở gần biên giới, có một phụ nữ người Trung Quốc trở thành khách quen của Mạnh. Bà ta biết tiếng Việt nên hay ghé cửa hàng tâm sự với Mạnh. Biết được hoàn cảnh của cô, nhiều lần bà đã không ngại vung tiền giúp đỡ cô gái.

Sa ngã

Cảm kích trước lòng tốt của người đàn bà lạ, Mạnh không biết rằng mình đang rơi vào cái bẫy của một “mẹ mìn” chuyên nghiệp. Khi đã mắc ơn bà ta, một lần bà ta ghé tai Mạnh, bảo Mạnh tìm những cô gái trẻ lừa qua biên giới bán cho bà ta.

Năm 2007, Mạnh về Hải Dương lân la làm quen với những cô gái nhẹ dạ, lừa đưa sang bên kia biên giới bán cho “tú bà”. Cả thảy Mạnh đã lừa bán 7 nạn nhân, chia làm 4 chuyến đưa qua biên giới bán cho người đàn bà Trung Quốc.

Sau mỗi lần “đi chuyến” như vậy, Mạnh được bà ta đưa cho một khoản tiền lớn. Số tiềm gom góp được sau 4 lần “đi chuyến”, Mạnh mang về quê trả nợ cho mẹ.

Thấy con có tiền mang về trả nợ, người mẹ quê chất phác vừa mừng vừa lo. Bà gặng hỏi cô con gái về số tiền kiếm được thì Mạnh chỉ gạt đi và nói rằng, đó là tiền cô kiếm được từ mồ hôi do lao động mà có.

Nhưng khi trả nợ cho mẹ chưa được bao lâu thì Mạnh bị bắt. Lúc này người mẹ mới ngã ngửa và đau đớn nhận ra cô con gái của mình đã làm chuyện thất đức để có tiền trả nợ cho mẹ.

Ngày Mạnh ra hầu tòa, người mẹ nước mắt chứa chan nhìn cô con gái xinh như hoa khai tội. Từ ngày Mạnh nhập khám, mẹ cô vốn đã ốm bệnh, lại càng gày rạc đi trông thấy. Nhìn mẹ với đôi mắt trũng sâu, thân hình tàn tạ, Mạnh không cầm được nước mắt. Cứ ngỡ giúp mẹ trả nợ, không ngờ Mạnh đã làm mẹ đau đớn gấp bội lần.

Mạnh bị tòa kết án 12 năm tù giam. Đã thụ án 3 năm tù ở trại giam Hoàng Tiến, nhưng vì giận cô “đã bôi tro trát trấu vào mặt gia đình”, người cha chưa một lần đến thăm con. Hàng tháng chỉ có người anh đưa mẹ cô đến thăm Mạnh. Mỗi lần gặp mẹ, Mạnh lại không cầm được nước mắt khi thấy dáng mẹ ngày càng hao gầy, tiều tụy.

Nhưng rồi dần dà, chính cuộc sống nơi ngục tù lại khiến một cô gái trót sa ngã như Mạnh tìm thấy được sự mạnh mẽ, cứng rắn. “Vào đây rồi cháu mới thấy mình trưởng thành hơn, lớn hơn trong suy nghĩ và hối hận vô cùng khi còn chưa làm được gì báo hiếu cho mẹ lại để mẹ phải héo hon vì mình” .

T.Nhung