- Trong căn nhà nhỏ sát mép đường làng Cẩm Quan, có một cụ già gần trăm tuổi vẫn lưu giữ những ký ức xúc động về Phan Đình Giót, người anh hùng trong chiến thắng Điện Biên. Hơn nửa thế kỷ qua, ngày ngày mình cụ vẫn hương khói cho người đã khuất.

“Anh bòn lúa, em mót khoai”

Tìm đến nhà cụ Phan Đình Giát (95 tuổi, xóm 7 Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đúng lúc cụ đang lau dọn bàn thờ cho anh trai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi một người đã sống gần trăm tuổi như cụ vẫn còn minh mẫn, khỏe khoắn.

“Sắp đến dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, tỉnh hỗ trợ tôi sửa sang căn nhà, bàn thờ cho sáng sủa” – cụ Giát thông báo. Mắt cụ long lanh khi lục lại những ký ức từ hơn nửa thế kỷ trước.

{keywords}
Cụ Giát và bức ảnh đen trắng của anh trai, AHLS Phan Đình Giót.
{keywords}
 Dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Giát được tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ tiền để sửa sang nhà cửa, bàn thờ. Lau lại tấm ảnh thờ của anh, cụ không cầm được nước mắt khi những ký ức từ nửa thế kỷ trước cứ ùa về.

Cụ Phan Đình Bân cưới vợ là bà Nguyễn Thị Thau trong cảnh nghèo túng. Vợ chồng sinh được 2 người con trai, anh là Phan Đình Giót, em Phan Đình Giát. Năm Giót lên 3 tuổi, bố gặp bạo bệnh qua đời. Kể từ đó, 3 mẹ con sống khổ cực, đi làm thuê cho nhiều phú hộ trong làng.

“Ngày mùa, anh em tôi đi làm công cho địa chủ. Thu hoạch xong, cả hai lại ra đồng mót lúa, mót khoai” – cụ Giát nhớ lại. Trải qua bao mùa như thế, hai anh em đã kịp lớn lên giữa những năm tháng chiến tranh chống Pháp ác liệt. Phan Đình Giót cưới bà Nguyễn Thị Ran ở làng Vĩnh Yên, rồi sống với nhà ngoại.

Nỗi mất mát lại tiếp tục ập đến khi đứa con trai kháu khỉnh đầu lòng của hai người qua đời lúc mới 7 tháng tuổi. Nỗi đau vừa nguôi ngoai, một sáng tinh mơ của năm 1952, Phan Đình Giót lên đường nhập ngũ.

Ngày tiễn anh trai đi tòng quân, Phan Đình Giát không giấu nỗi những giọt nước mắt. Hơn nửa thế kỉ sau, vẫn là những giọt lệ đau đáu nhớ thương, nhưng là của cụ ông xấp xỉ trăm tuổi, khi nhìn vào bức ảnh đen trắng và lục lại những ký ức vốn đã chất chứa qua bao mùa khoai, lúa.

“Ngày anh Giót ra trận, tôi đang đi ở cho nhà ông Học trong làng. Tôi chạy về cởi bộ đồ gụ mới được gia chủ may đưa cho anh trai. Buổi tối trước lúc anh lên đường, mẹ đi vay được 1 cân gạo về nấu. Chúng tôi ăn một nửa, còn lại để giành sớm mai anh đùm theo ăn dọc đường” - cụ Giát mắt long lanh kể lại.

Muốn ra thăm anh trai lần nữa

Anh trai ra trận, Phan Đình Giát ở nhà tiếp tục đi cày thuê cuốc mướn rồi cưới vợ. Cứ 2 tháng một lần, anh Giót lại gửi thư về nhà.

“Lúc trước hai anh em cùng được theo lớp Bình dân học vụ một thời gian. Anh Giót học giỏi hơn tôi nhiều. Mỗi lần có thư, tôi lại đọc cho mẹ nghe. Anh vẫn kể suốt về đơn vị, mặt trận” – cụ Giát nhớ lại.

{keywords}
Hơn nửa thế kỷ qua, cụ Giát vẫn luôn chu tất hương khói trước bàn thờ người anh trai liệt sỹ Anh hùng.

Duy chỉ có một lần cụ muốn giấu mẹ không cho đọc bức thư từ chiến trường gửi về. Đó chính là bức thư định mệnh, lá thư cuối cùng. 

Nước mắt rỉ từ hai khóe, cụ kể: “Bức thư cuối cùng do anh Võ Đình Sờ người cùng làng, cùng đơn vị với anh Giót viết và gửi về. Đó là tin báo tử! Tôi đọc mà như chết lặng. Tôi chạy đi kêu mẹ về, nhưng dối mẹ là vợ tôi sắp đẻ. Về nhà biết không giấu được tôi mới đọc cho mẹ nghe. Bà đau buồn rồi đổ bệnh”.

Vài năm sau đó, cụ Thau mất vì bệnh tật. Người vợ của AHLS Phan Đình Giót cũng đi bước nữa. Cụ Giát sinh được người con gái độc nhất là bà Phan Thị Nhự, và rồi vợ cụ cũng mất sớm. Hàng chục năm qua, mình cụ Giát chu tất hương khói cho bàn thờ anh trai.

{keywords}
Những kỷ vật chiến trường của AHLS Phan Đình Giót, hiện đang được lưu giữ cẩn thận tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Cẩm Quan.

Lúc đầu cụ Giát chẳng biết anh trai hi sinh thế nào, trong thư cũng không nói rõ. Mãi sau này cụ mới được ông Lê Quang Nghiêm (Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, đã mất – PV) nguyên là đồng đội với anh trai kể lại, rằng anh Giót đã anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho bộ đội ta vượt liên tiêu diệt cứ điểm. Kể từ đó, nỗi nhớ thương đau đáu của cụ đã xen lẫn với sự tự hào!

“Tôi đã 3 lần theo đoàn ra thăm chiến trường Điện Biên. Mộ anh Giót cùng phần mộ 3 Anh hùng liệt sỹ khác nằm cạnh nhau trong nghĩa trang. Cách đây 10 năm tôi theo đoàn ra thắp hương cho anh, đó là lần cuối cùng tôi đến Điện Biên.

Năm nay tròn 60 năm ngày anh mất, tôi vẫn muốn ra đó lần nữa, có thể sẽ là lần cuối cùng! Tôi muốn nhìn ngắm và thắp thêm những nén hương trước mộ anh!” – cụ Giát rưng rưng.

Cao Thái