- Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho VietNamNet biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E.Panetta sẽ thăm chính thức Việt Nam từ 3-5/6. 

Trao đổi với VietNamNet bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay (24/5), Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay chuyến thăm có trọng tâm chính là trao đổi các vấn đề quan hệ song phương nói chung và hợp tác quốc phòng cụ thể nói riêng. Đây là hoạt động trao đổi song phương giữa hai bên, sau chuyến thăm chính thức Mỹ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cùng diễn ra trong năm 2010.

VN mong Mỹ đóng góp cho ổn định khu vực

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ thời gian gần đây đã có bước phát triển.

Thưa Bộ trưởng, bước phát triển ông đề cập cụ thể là gì? Đâu là những trọng tâm trao đổi của ông với người đồng nhiệm Mỹ tại cuộc hội đàm nhân chuyến thăm ở Hà Nội?

Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai nước ký kết năm ngoái thể hiện những bước phát triển khi hai nước xác định 5 lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Đó là thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Hai nước cũng có những trao đổi về đào tạo. Việt Nam mới gửi một số học viên đi học về quân y, tiếng Anh, một số vấn đề kỹ thuật, nhưng cũng chưa gửi nhiều. Như về an ninh biển, hiện ta được Mỹ và Nhật cung cấp hàng năm thông tin về dự báo thời tiết ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hai Bộ trưởng liệu có trao đổi những vấn đề nổi lên ở Biển Đông thời gian gần đây không, khi hai bên sẽ đề cập tới an ninh biển?

Bộ trưởng Mỹ có nêu vấn đề này trong thảo luận không thì tôi chưa biết. Nhưng nếu vấn đề được đề cập thì tinh thần vẫn là nêu những quan điểm Việt Nam thường xuyên nhấn mạnh thôi.

Với một tuyến đường hàng hải có vị trí quan trọng thứ hai trên thế giới,  việc gìn giữ một môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông là cần thiết. Việt Nam chủ trương gìn giữ Biển Đông hòa bình, ổn định. Mọi tranh chấp giải quyết bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982, thực hiện theo Tuyên bố DOC. Mỹ tuyên bố họ có lợi ích ở khu vực này. Việt Nam mong muốn Mỹ có những đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực.

Nhu cầu sắm vũ khí từ Mỹ không nhiều

Khả năng hợp tác liên quan các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ giữa hai nước cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng? Phía Mỹ luôn ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, vậy quan điểm của Việt Nam ra sao?

Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì xây dựng đề án về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ để trình Chính phủ xem xét, từ đó trình Quốc hội thông qua. Theo tôi biết, quá trình xây dựng đề án vẫn đang diễn ra.

Nhưng liên quan đến vấn đề này là cả một quy trình. Mà một trong những vấn đề quan trọng là sửa đổi, bổ sung quy định trong Hiến pháp. Dự kiến Hiến pháp 1992 được bổ sung quy định quân đội, ngoài nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sẽ góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới. Từ đó để xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật cũng như chế độ chính sách liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E.Panetta

Liên quan hợp tác quốc tế, trong đó có Mỹ, chủ trương của ta là tham khảo kinh nghiệm, nghiên cứu cùng trao đổi. Với khả năng của mình, chúng ta dự kiến tham gia vào hai lĩnh vực là rà phá bom mìn và quân y. Vừa qua chúng ta cũng đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia...

Truyền thông quốc tế gần đây quan tâm đến khả năng Việt Nam và Mỹ có thể có bước tiến xa hơn như việc hợp tác thương mại về mua bán vũ khí như một phần của hợp tác quốc phòng và an ninh?

Hiện nay phía Mỹ chưa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, quan hệ như thế chưa hoàn toàn bình thường. Nếu bình thường hóa thì những lệnh cấm vận như thế không còn. Chúng ta cũng kiến nghị bỏ lệnh cấm vận đó nhưng Quốc hội Mỹ chưa thông qua. Chúng ta có nhu cầu mua sắm vũ khí trang bị từ phía Mỹ không nhiều. Thứ nhất là khả năng tài chính hạn chế. Chúng ta chỉ có nhu cầu mua sắm vật tư cho các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mà chúng ta thu được, gọi là chiến lợi phẩm, trong cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước, khối lượng còn khá lớn. Thực tế ta vẫn có cách bảo dưỡng, bảo quản đảm bảo hoạt động tốt số vũ khí này.

Gần đây, diễn ra các hoạt động trao đổi, hợp tác hải quân như các tàu hải quân của Mỹ cũng như nhiều đối tác, các nước khác thăm các cảng biển dân sự 3 miền của Việt Nam. Chủ trương lớn của các hoạt động trao đổi đa dạng với các nước như thế này là gì, thưa Bộ trưởng?

Đây là hoạt động giao lưu, trao đổi bình thường. Các nước bạn có thiện chí trao đổi, giao lưu ta sẵn sàng chào đón. Nhưng hiện các hoạt động diễn ra theo thông lệ của phía ta đó là đón mỗi nước một chuyến trong năm thôi. Có một số nước bạn có thiện chí trao đổi nhiều tàu thăm viếng trong năm nhưng ta hiện vẫn duy trì thông lệ đón mỗi đoàn vào một lần trong năm, và chỉ ở 3 cảng biển quốc tế ở TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng, là các cảng dân sự, không phải cảng quân sự.

Nhân hoạt động tàu hải quân Mỹ thăm cảng ở Việt Nam, một số phương tiện nước ngoài vừa qua đưa tin là hải quân ta và Mỹ tổ chức diễn tập chung, trừ bắn đạt thật, là không chính xác, gây hiểu lầm.

Xuân Linh