- Nhiều yếu tố không đảm bảo an toàn liên quan đến thiết kế tàu nhà hàng nổi được phát hiện sau vụ chìm tàu Dìn Ký. Sau tai nạn kinh hoàng, trước cảm giác bất an của người dân về độ an toàn của loại tàu này, chúng tôi đã liên hệ với nhiều kỹ sư trong ngành đóng tàu với mong muốn có thể tìm ra những “khiếm khuyết” liên quan đến thiết kế tàu (nếu có)...

Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.


Hiểm hoạ từ bàn ghế


Chúng tôi gặp được kỹ sư Đặng Ngọc Hoàng Phi, đang làm việc cho một công ty đóng tàu lớn ở phía Nam. Với mong muốn góp phần hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đối với loại tàu khách du lịch (tàu nhà hàng nổi), kỹ sư Phi đã chia sẻ những phát hiện của mình.

“Trong vụ chìm tàu Dìn Ký, tôi thấy có rất nhiều hành khách bị bàn ghế đè lên người nên không thể thoát ra ngoài. Từ đó tôi nhận thấy vấn đề bố trí bàn ghế trên tàu cũng rất quan trọng. Nếu bàn ghế được bắt vít cố định trên sàn, khi tàu chòng chành, hay bị lật thì chúng sẽ không đè lên hành khách”, kỹ sư Phi, phân tích.
 
Bàn ghế trên tàu Dìn Ký văng tứ tung sau sự cố (Ảnh: VietNamNet).

Theo kỹ sư Phi, hiện nay trong qui phạm về an toàn đối với tàu khách du lịch chưa đề đến cập đến vấn đề cố định bàn ghế. Do đó, bàn ghế trên các tàu đang hoạt động hiện nay chưa được bắt vít cố định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Với trách nhiệm của đơn vị thiết kế tàu, trong thời gian tới, khi nhận được đơn đặt hàng đóng tàu khách du lịch, nhất định chúng tôi sẽ đưa yếu tố cố định bàn ghế vào bản vẽ thiết kế”, kỹ sư Phi, nói.

Thiếu quy trình cứu hộ

Theo kỹ sư Phi, ngoài chuyện cố định bàn ghế, các cơ quan chức năng nên bắt buộc các tàu khách du lịch khi đi vào hoạt động phải có quy trình kiểm tra, huấn luyện thuyền viên, nhân viên trong công tác cứu hộ.

“Theo tôi được biết, hiện nay chưa có những quy định bắt buộc các tàu khách du lịch trên sông phải có quy trình về ứng cứu sự cố khi tàu đắm, tàu bị thủng khoang, hướng dẫn hành khách lên boong cứu sinh, hoặc thoát thân an toàn…”, kỹ sư Phi, cho biết.

Ngoài ra, kỹ sư Phi cho rằng, cần phải có quy định về bàn giao nhiệm vụ giữa các ca lái tàu. Khi thuyền trưởng nghỉ phải bàn giao sổ “Thông báo ổn định thuyền trưởng” cho người chịu trách nhiệm điều khiển tàu sau đó.

“Thông báo ổn định thuyền trưởng do đơn vị thiết kế tàu lập ra dựa trên những thông số kỹ thuật của tàu. Nó giống như một quyển sổ cẩm nang. Trên đó ghi đầy đủ các tình huống giả định và cách xử lý sự cố. Từ đó thuyền trưởng sẽ xử lý được các sự cố xảy ra trên thực tế”, kỹ sư Phi, giải thích.

Bàn ghế trên các tàu nhà hàng nổi ở sông Sài Gòn chưa được đặt cố định, tìm ẩn nhiều rủi ro - (Ảnh: Trung Thanh)

Theo kỹ sư Phi, quá trình đưa một chiếc tàu khách du lịch vào hoạt động được thực hiện theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Đầu tiên, theo đơn đặt hàng của chủ tàu về khối lượng hành khách, khu vực tàu sẽ hoạt động, đơn vị thiết kế sẽ tính toán chọn công suất cho tàu, khả năng chịu đựng được sức gió, cột nước cao bao nhiêu …

Sau khi hoàn tất bản vẽ tiến hành đóng tàu. Quá trình đóng tàu phải được đơn vị đăng kiểm, đơn vị thiết kế và chủ phương tiện cử người giám sát. Tàu đóng xong, tiến hành thử độ nghiêng (dùng vật nặng đặt lên tàu) để ghi lại số liệu về độ nghiêng, độ chúi mũi tàu, độ chúi lái.

Từ những thông số kỹ thuật trên, đơn vị thiết kế lập ra “Thông báo ổn định thuyền trưởng”. Trước khi đưa tàu vào sử dụng phải tiến hành thử tải tại bến, thử tải đường dài. Thử tải xong, đơn vị đăng kiểm cấp giấy phép cho tàu hoạt động kèm theo sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thuỷ nội địa.

Trong quá trình hoạt động, hàng năm, đơn vị kiểm định sẽ kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện ra những hư hỏng trên tàu cần phải sửa chữa…

“Nếu các đơn vị liên quan tuân thủ theo quy trình trên thì sẽ hạn chế được tai nạn”, kỹ sư Phi, khẳng định.

  • Trung Thanh
Toàn cảnh vụ chìm tàu
Vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 20/5 đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, người nước ngoài.