- Trao đổi với báo chí giờ giải lao họp QH sáng nay, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhận định tổng đầu tư dự kiến cho sân bay Long Thành 24 nghìn tỷ đồng là con số quá lớn so với bây giờ, "không thể nói là nhỏ được". 

Có ý kiến cho rằng đầu tư vào làm sân bay Long Thành không hiệu quả, ý kiến của Bộ trưởng?

Hệ thống sân bay của ta có đặc thù là sân bay hữu dụng, dùng cả dân dụng và quốc phòng an ninh. 

Từ khi đất nước giải phóng đến nay, chúng ta mới đầu tư duy nhất vào đảo Phú Quốc, còn lại toàn bộ không có. Ý kiến cho rằng nhiều sân bay, đầu tư dàn trải thì không phải. Có những sân bay như sân bay Điện Biên nếu không hiệu quả thì không ai duy trì cả.

{keywords}
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: VOV

Sân bay buộc phải duy trì vì không chỉ hoạt động dân dụng và kinh tế mà cả an ninh quốc phòng. Nên phải hiểu cả mạng sân bay, quy hoạch từ trước đây, từ khi chưa giải phóng đã có rồi. Thậm chí như Hải Phòng trước đây có 3 sân bay vì gửi gắm cả quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội.

Tổng đầu tư cảng hàng năm vẫn tốt, có lãi. Tất nhiên có vấn đề nọ, vấn đề kia thì cần chấn chỉnh nâng cao hiệu quả. Việc đầu tư là cần thiết. Một đất nước phát triển, hội nhập thì không thể không có hàng không được.

Xin QH chủ trương

Nhưng dự án gây ra rất nhiều tranh luận, hầu hết ý kiến không phủ nhận sân bay Long Thành trước sau cũng phải làm. Nhưng vấn đề được quan tâm đó là thời điểm đưa ra dự án đúng lúc kinh tế đang khó khăn, nợ công nguy hiểm?

Nhân dân, dư luận cũng như nhiều ĐBQH chia sẻ sân bay Long Thành là cần thiết, việc mở rộng Tân Sơn Nhất là không thể. Cần thiết phải đầu tư một sân bay để phục vụ cho yêu cầu của đất nước.

Tuy nhiên đưa ra dự án sân bay Long Thành vào thời điểm này rõ ràng không có lợi vì vấn đề nợ công. Dù Chính phủ đã báo cáo nợ công hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát nhưng cũng có vấn đề là nợ công đang có chiều hướng tăng nhanh. Chính vậy việc tính toán dự án sân bay Long Thành làm sao phải đứng trong sự phát triển chung của đất nước, phải đảm bảo các tiêu chí về nợ công cũng như trả nợ mà QH đã đề ra.

Đợt trình cảng sân bay Long Thành này không phải trình để QH phê duyệt dự án để triển khai ngay mà là xin chủ trương. Còn từ xin chủ trương đến lập báo cáo khả thi đến lúc triển khai là cả quãng thời gian dài, không thể nhanh được.

Vấn đề giờ QH cũng như nhân dân quan tâm là tiền đâu? Trong báo cáo tiền khả thi, dự án mới chỉ đưa ra con số hết sức hạch toán. Trong khi điều QH và nhân dân cần biết lại nằm trong giai đoạn tính toán khả thi. QH, người dân có yêu cầu chính đáng muốn biết đầy đủ nội dung hơn, cụ thể hơn. Nhưng cũng rất tiếc có cái tôi không thể trả lời ngay được. Muốn làm được cái đó phải có khảo sát, thiết kế, phải có tiền mới làm được báo cáo khả thi.

Nhưng giờ QH chưa đồng ý chủ trương thì cũng chưa thể quyết định báo cáo khả thi được, mà cũng phải có tiền. Nếu bây giờ cứ làm báo cáo khả thi mà QH không thông qua thì lại thành chuyện.

Tổng số dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ.

Vốn cho dự án sân bay Long Thành lớn thật nhưng phần của nhà nước chỉ lo giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư, cũng như một số văn phòng, trụ sở, cơ quan quản lý nhà nước. Còn lại toàn bộ do doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hết.

Sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư, doanh nghiệp bỏ tiền vào đầu tư cũng như doanh nghiệp sẽ vay lại vốn ODA của Chính phủ. Chính phủ vay ODA và cho doanh nghiệp vay lại. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý đầu tư, sau này có trách nhiệm trả nợ.

Hình thức đầu tư như vậy đã có rồi như chính trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Nhiều năm qua Tổng công ty cảng hàng không vẫn đảm bảo việc trả nợ tốt không vấn đề gì, hoạt động rất có lãi.

24 nghìn tỷ đồng cũng là con số quá lớn so với bây giờ, mình không thể nói là nhỏ được. Từ lâu nay mọi người cứ hay nói nhiều chuyện thuận lợi của cảng hành không quốc tế Long Thành chỉ xuất, thu hồi vốn cao, giải phóng mặt bằng cũng thuận lợi này, rất nhiều thuận lợi. Nhưng thực tế khi triển khai một dự án lớn như này cũng rất khó khăn, phải tính.

Nhưng vốn cũng chỉ là một vấn đề khó khăn thôi, còn nhiều vấn đề lắm. Ngay chuyện giải phóng mặt bằng, bây giờ phần lớn có thể nói gần 100% người dân đã đồng ý ký hết, tỉnh Đồng Nai quản lý tốt, thỏa thuận với từng người dân. Nhưng thực tế khi làm, triển khai, khi QH quyết định cho phép đầu tư rồi thì giá đất cùng các thứ khác nhau. Bây giờ rẻ nhưng khi chính thức lại khác.

Không thể trượt giá

Như thế dự án đã tính toán đến trượt giá chưa? Liệu rồi công trình có đội giá lên?

Thói quen của mọi người nói công trình lớn là trượt giá. Nhưng Tân Sơn Nhất, Nội Bài không trượt giá, các dự án của cảng hàng không làm không trượt giá. Từ trước đến nay chưa có dự án nào trượt giá cả. Rất nhiều dự án lớn như Quốc lộ 1A triển khai sang năm hoàn thành cũng không trượt giá và còn có dư, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vẫn có dư.

Trước đây có những dự án do triển khai quá chậm dẫn đến trượt giá, hoặc do khi phê duyệt dự án sớm nhưng lúc triển khai rất chậm.

Vậy Long Thành theo ông đánh giá có nguy cơ trượt giá không?

Tôi nghĩ không thể trượt giá được. Vấn đề là trình tự thủ tục nhanh gọn. Nhưng muốn nhanh gọn không thể ép QH, đặt vấn đề là quyết nhanh để làm cho khỏi trượt giá, không phải vậy. Vấn đề QH quyết hay không, chất lượng phải hoàn chỉnh mới phê duyệt được.

Chỉ vì thời điểm

Về thời điểm, nhiều người đặt vấn đề sau 2020 mới xây sân bay Long Thành, ông nghĩ sao?

Về nhu cầu phải 2025 mới cần có, nhưng để đến lúc 2025 có sân bay hoạt động thì phải chuẩn bị từ giờ. Nếu QH thông qua về chủ trương thì phải làm tiếp tục dự án khả thi. Rồi dự án khả thi sẽ được tiếp tục trình QH xem xét và lúc đó QH mới quyết định có làm hay không làm.

Như ông nói nợ của Chính phủ vay ODA chuyển cho doanh nghiệp nhưng thực chất nghĩa vụ trả nợ này vẫn phải của nhà nước?

Trong đề án của Chính phủ trình đề nghị cho doanh nghiệp vay trực tiếp ODA và doanh nghiệp trả nợ trực tiếp. Để trình một dự án khả thi phải trình hết thông số, điều kiện, chứ còn tất cả là giả định cả, làm sao nói bao nhiêu năm sau được. Những số nói ra phải có cơ sở, chứ không phải nói dự báo đưa ra là không phải, tất cả đều có căn cứ hết.

Theo đánh giá của ông thì Long Thành  tác động thế nào đến ODA?

Khi nợ công đã ở mức kiểm soát thì 0,01 cũng là tác động, nhiều 0,01 dồn lại sẽ thành 1, 1 thành 10. Đã kiểm soát thì nhỏ nhất cũng phải kiểm soát.

Dự án xin ý kiến Bộ Chính trị đã có phản hồi chưa, thưa Bộ trưởng?

NQ TƯ 13 nêu rõ sử dụng nguồn vốn ODA và huy động các nguồn lực theo hình thức cộng tác đầu tư để đầu tư cho sân bay Long Thành. Hiện dự án đã báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của QH, Chính phủ sẽ tiếp thu, rồi báo cáo lại với Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến.

Theo ông, lý do QH vẫn để lại để bàn mà chưa quyết định triển khai là như thế nào?

Vì thời điểm này chưa phù hợp.

Dự án rõ ràng đã có sự chuẩn bị từ rất lâu rồi. Phải có một điều gì đó khiến cho dự án trình ra muôn như vậy?

Dự án được đặt vấn đề từ những năm 1980, rồi đưa vào quy hoạch phân khu vào năm 2005. 2011 đưa vào quy hoạch chính thức. Dù có đầy đủ các bước như vậy nhưng rõ ràng một dự án lớn như thế này đưa ra QH trình là hơi chậm.

T.Lý - H.Nhì - T.Vũ ghi