- Bão Haiyan còn cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) 220km, vẫn mạnh cấp 14, 15, giật trên cấp 17. Đến rạng sáng 9/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 44 điểm theo quy định của Chính phủ.

Lúc 10 giờ (ngày 9/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220km về phía Bắc Đông Bắc.

{keywords}
Siêu bão Haiyan đang tiến nhanh về đất liền Việt Nam (Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km.

Đến 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km.

Đến 10 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

{keywords}
Người dân ven biển Quảng Nam đã đưa tàu thuyền vào bờ an toàn. (Ảnh: Vũ Trung)
 

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay (09/11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay (09/11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15.

Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8.

Từ chiều tối nay (9/11) ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to.

Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2.5 – 5m. Sóng biển 3 – 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.

Đến rạng sáng ngày 9/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 44 điểm theo quy định của Chính phủ.

Tính đến 6 giờ ngày 09/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.245 phương tiện/383.599 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Dưới đây là tình hình chuẩn bị phòng chống bão của các tỉnh miền Trung trước nguy cơ siêu bão Haiyan đổ bộ được PV, CTV VietNamNet ghi nhận:

Quảng Trị: Xác định là tâm bão

Xác định huyện Hải Lăng nằm trong “mắt” bão khi đổ bộ vào Quảng Trị nên ngoài việc đưa tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; khẩn trương chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây xanh ở các trục đường, thôn xóm; Ban chỉ huy PCLB huyện đã triển khai các phương án phòng chống bão lụt theo phương châm 4 tại chỗ.

{keywords}
(Ảnh: Nhơn Võ)

Vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng và sẵn sàng các phương án sơ tán dân tại các khu dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...

Những ngôi nhà cấp 4, không đổ mái bằng, nhà tạm bợ nằm trong diện di dời thì đã lên phương án chủ động di dời đến các nơi kiên cố như nhà 2 tầng, trường học… và đảm bảo đủ lương thực cho bà con tại nơi sơ tán.

Anh Phan Thanh Hội, người dân thôn Mỹ Thủy, xã Hải An huyện Hải Lăng cho biết: “Gia đình chúng tôi đã biết tin bão cách đây 2 ngày. Nghe nói đây là một cơn “siêu bão” có tốc độ rất nhanh và độ tàn phá rất lớn có thể gây thiệt hại nặng nên gia đình tôi và người dân nơi đây rất lo lắng”.

Đại tá Hoàng Hữu Chiến - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Trị cho biết, đã lập ban chỉ huy tiền phương tại các xã ven biển để chỉ đạo trực tiếp, bảo đảm an toàn về người, tài sản, tàu thuyền tại vùng bãi ngang.

Trong 2 ngày từ 7 đến 9/11, đã tiến hàng thông báo và kêu gọi hơn 2504 tàu thuyền và trên 6408 thuyền viên vào nơi trú ẩn an toàn.

Thừa Thiên - Huế: 'Phải siêu hành động' trước siêu bão

Sáng nay 9/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại tỉnh TT. Huế chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó với bão.

Ông nhấn mạnh: “Đây là cơn siêu bão chưa từng thấy, có gió giật cấp 17 cho nên, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc để chống bão, ngay từ đầu đã xác định là siêu bão, vì thế chúng ta phải siêu hành động, và hành động siêu nhanh.

Tuyệt đối không để người dân ra đường trong lúc bão, đảm bảo tốt nhất trước 19h tối nay, phải hoàn thành công tác di dân, cấm biển. Tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong chống bão, chứ trong bão thì không ai cứu được ai”.

Sáng 9/11, dù bão Haiyan chưa vào đất liền, nhưng trước sức mạnh hủy diệt được dự báo, bà con ngư dân ven biển các huyện, thị xã đã nỗ lực phòng chống bão.

Tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, người dân vùng ven biển này bao đời nay vốn quen về nghề chài lưới, đã gác mái chèo cùng nhau lên bờ giằng chống nhà cửa.

Trong căn nhà nhỏ chị Hoàng Thị Lành, 45 tuổi, nói: “Nghe nói bão mạnh lắm, lần này giật lên đến cấp 17, nên cả gia đình sợ lắm chạy đi mua tre, mua cát về để giằng nhà. Chứ cái nhà tạm bợ vừa mới xây xong, không chằng chống cẩn thận thì bão vào coi như đổ nát hết”.

Nhiều người dân ở xã ven biển Phú Hải, huyện Phú Vang cũng đã tất bật lợp lại mái nhà trước bão để sẵn sàng đón cơn bão mới. Ông Trần Đại Nghĩa, 78 tuổi cho biết: “Từ xưa tới giờ tôi chưa bao giờ chứng kiến trận bão nào mà siêu mạnh như trận bão này, nghe nói lại đâm thẳng vào vùng biển Thừa Thiên - Huế nên rất lo lắng, cả nhà tui đang huy động tất cả con cháu vào chống bão”.

Ông Lê Duy Văn, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An, cho biết: “Trước sự nguy hiểm khôn lường của cơn bão, đồn đã điều động tất cả hơn 90 chiến sĩ về tận nơi giúp dân, khẩn trương vận động dân di dời, chằng néo mái nhà, phụ giúp vận chuyển đồ đạc cần thiết đến nơi an toàn”.

Quảng Nam - Đà Nẵng: Mua dây buộc chống nhà cửa

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngay từ sáng sớm tại các cửa hàng bán dây thép và các loại dây thừng, đinh… tại địa bàn các huyện thị tấp nập người mua về để buộc, chèn chống nhà cửa.

{keywords}
Người dân tấp nập đi mua dây, cột về chằng chống nhà cửa chống bão. (Ảnh: Vũ Trung)
 

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, di chuyển gấp và toàn bộ dân nơi vùng ven biển để đề phòng bão và nước dâng.

Tại vùng ven biển Quảng Nam, công tác chèn chống nhà cửa đã được hoàn tất vào trưa nay (9/11) và bắt đầu di chuyển dân sâu vào đất liền.

Ông Lê Long, nhà ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết, nhà cửa đã được chèn chống từ cơn bão số 11, nay chỉ cần gia cố thêm là có thể yên tâm để rời nhà đi tránh bão.

{keywords}
Gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ ở Quảng Nam (Ảnh: Vũ Trung)

Chỉ đạo trực tiếp công tác đối phó với bão tại các huyện Điện Bàn và Duy Xuyên (Quảng Nam), ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, qua kiểm tra đến 12 giờ trưa hôm nay các phương án đã sẵn sàng.

Từ trưa đến tối nay là công tác di chuyển dân vào sâu trong đất liền tại khu vực ven biển. Phương án 4 tại chỗ đã hoàn tất.

"Vấn đề còn lại là phải bình tĩnh để ứng phó tùy theo từng tình hình cụ thể mới xử lý. Chúng tôi đã phân công các đảng viên, cán bộ đứng điểm tại các khu dân cư. Nếu có điều gì xảy ra trong khả năng thì xử lý tại chỗ. Còn vượt khả năng thì tỉnh, huyện sẽ tăng cường lực lượng" - ông Thu nói.

Tại Đà Nẵng, sáng 9/11, ngư dân các phường ven biển, cùng với lực lượng dân quân, dân phòng, bộ đội, công an… đã khẩn trương đưa tàu thuyền và ngư cụ lên bờ.

Hàng ngàn người dân đang hối hả chằng chống nhà cửa, nhiều cây cối được tỉa cắt để hạn chế đổ ngã.

Trước đó, ngày 8/11, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã ra công điện khẩn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn được nghỉ học bắt đầu từ 9/11 cho đến lúc hết bão. Các khu công nghiệp phải dừng hoạt động trước 13h và tạm dừng họp chợ từ 14h.

Hiện Đà Nẵng đang khẩn trương sơ tán gần 2 vạn hộ dân với hơn 73.000 người trước 19h ngày 9/11.

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đi kiểm tra toàn bộ các vùng xung yếu và yêu cầu bà con bình tĩnh để di chuyển đến nơi an toàn.

Bình Định: Dự trữ 11 tấn gạo và mì gói

Tại xã đảo Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn), một trong 2 vùng sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu như bão đổ bộ, sáng nay (9/11), người dân địa phương đã triển khai chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi tránh trú bão an toàn.

Tại xã Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn), đến 15h, gió bắt đầu giật mạnh, việc đi lại của người dân xã đảo với đất liền bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Ông Đặng Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết, địa phương đang phối hợp với các lực lượng di dời dân.

{keywords}
(Ảnh: Trọng Nguyễn)

Theo kế hoạch đến 16h, sẽ hoàn thành công tác di dời 480 hộ/2.100 nhân khẩu tại 3 thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông vào nơi tránh trú bão an toàn.

“Để chuẩn bị đối phó với diễn biến cơn bão, địa phương dự trữ 11 tấn gạo cùng mì gói, nước; số lương thực này có thể phục vụ cho người dân sử dụng trong 1 tháng", ông Khánh cho biết.

Tại thị xã An Nhơn, lãnh đạo UBND đã phân công các thành viên BCHPCLB&TKCN thị xã về các địa bàn xung yếu cùng với chính quyền địa phương kiểm tra và có phương án bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy lợi, đê điều.

Triển khai phương án di dời dân vùng có nguy cơ bị ngập lụt ở các xã khu Đông và các xã, phường ven các nhành sông Côn.

Chuẩn bị 4 ca nô và lực lượng xung kích sẵn sàng khi có điều động ứng cứu nhân dân vùng lũ lụt.

Khánh Hòa: Gió giật cấp 12 tại quần đảo Trường Sa

Trả lời VietNamNet qua điện thoại, Thượng úy Bạc Lam Giang – Đảo trưởng đảo Đá Nam (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết, từ  10 giờ 15 phút sáng 9/11, khu vực đảo Đá Nam đã có sóng rất lớn, gió cấp 10, 11 giật cấp 12, trời mù mịt.

Ngay từ chiều qua, 8/11, công tác chuẩn bị ứng phó với siêu bão đã được chuẩn bị xong. Đến sáng sớm nay, toàn bộ chiến sỹ đã vào nơi trú ẩn oan toàn…” 

Tại đảo Song Tử Tây, thượng tá Nguyễn Trọng Bình - Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết, lúc 6 giờ sáng tại đây có gió cấp 7 cấp 8, gần 2 giờ sau, gió đã tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 cấp 12 và đang tiếp tục mạnh lên trông thấy.

Chia sẻ tình hình từ đảo Nam Yết, Trung tá Ngô Văn Lúa – Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết, hiện gió tại khu vực đảo khoảng cấp 5 – 6 nhưng trời rất mù. Đảo đã thực hiện đầy đủ chỉ đạo của cấp trên chằng chéo nhà cửa, công trình, đưa người vào vị trí trú an toàn sẵn sàng đợi bão.

Đến 12 giờ 30 ngày 8/11, có 64 chiếc tàu cá nước ngoài vào cầu tàu đảo Song Tử Tây tránh bão, tất cả 736 ngư dân trên các tàu cá này đã được đưa lên đảo, trú ẩn an toàn.  

Quảng Bình: Không được phép chủ quan

Tính đến sáng 9/11, hiện còn 57 tàu/412 lao động đang trên đường vào bờ. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đang tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền còn lại nhanh chóng vào bờ trú ẩn an toàn trước 16 giờ ngày 9/11.

Trong cuộc họp khẩn sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tuyệt đối không được chủ quan, chỉ đạo công tác phòng chống bão một cách chặt chẽ.

Chủ tịch tỉnh cũng “lệnh” cho BCH PCLB tỉnh, các huyện và lãnh đạo các địa phương phải bảo đảm trực 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo, xử lý mọi tình huống về bão lũ. Thực hiện tốt công tác phòng chống bão lũ và ứng cứu khi có hậu quả xẩy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hậu quả bão lũ.

Hà Tĩnh: Khẩn cấp sơ tán 50 nghìn dân vùng nguy hiểm

BCH PCLB và TKCN Hà Tĩnh đã lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp 14.280 hộ dân (chủ yếu ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà,...) với 50.240 người để đảm bảo an toàn cho người dân vùng ven biển, cửa sông, cửa lạch trên địa bàn tỉnh. Thời gian sơ tán dự kiến xong trước 17h ngày 9/11.

Nghệ An: Thu dọn hàng quán về nhà

Các hộ dân kinh doanh ven biển tại khu vực Nghi Hòa, Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) hối hả thu dọn, vận chuyển đồ đạc về nhà. 

Chị Nguyễn Thị Phụng, chủ ki ốt số 3 Song Ngư thuộc khối Hải Giang 1, P.Nghi Hòa – TX Cửa Hội cho biết, sáng nay UBND Phường đã thông báo đến hơn 70 hộ dân kinh doanh nơi đây phải khẩn trương thu dọn toàn bộ tài sản về nhà; cùng đó, các ki ốt phải được tháo dỡ toàn bộ mái tôn, hệ thống điện… chỉ để lại bộ khung.

Tại khu vực vùng biển Cửa Lò, anh Nguyễn Văn Tý cùng con trai vừa bê các tấm tôn lên xe vừa nói: “Nghe nói bão to lắm, chúng tôi phải dọn đồ đạc về hết chứ không để đây bão thổi bay hết”.

{keywords}
Các hộ kinh doanh ven biển Cửa Lò thu dọn đồ đạc về nhà. (Ảnh: Hải Sâm)

Tại Quỳnh Lưu, có tất cả là 1.178 tàu thuyền, sáng nay hơn 100 tàu đã trú ẩn an toàn, hiện nay có khoảng 400 tàu đang vào đất liền, số tàu còn lại dự kiến sẽ vào bờ trú ẩn trước 19h tối nay.

Trước đó, các địa phương có phương án tổ chức di dời 26.000 hộ dân ven biển, các vùng hạ lưu để đảm bảo an toàn và thiệt hại đáng tiếc. Cho học sinh nghỉ học từ ngày 9 đến 12/11.

Giám đốc CA tỉnh yêu cầu: Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, cử cán bộ chỉ huy ứng trực tại các vùng nguy hiểm, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc và nhu yếu phẩm cần thiết, thực hiện phương châm 4 tại chỗ nhằm chủ động ứng phó với bão lụt.

Thanh Hóa: 7.000 tàu chưa an toàn

Tính đến 8h ngày 9/11, vẫn còn 6.975 phương tiện với 23.787 lao động đang hoạt động trên biển.

Để chủ động với bão, Ban chỉ huy PCLB&TKCN đã kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão. Hiện các phương tiện trong vùng nguy hiểm đang về nơi tránh trú và thường xuyên giữ liên lạc với bờ.

Trong sáng ngày 9/11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp khẩn để phân công công việc nhằm đối phó với siêu bão.

Nhóm PV