Thời gian qua, đời sống đồng bào Đan Lai và Ơ Đu đã có những đổi thay đáng ghi nhận. Song, do nhiều nguyên nhân, để vực dậy đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người này còn nhiều khó khăn.

Đồng bào Đan Lai và Ơ Đu sinh sống tập trung ở đầu nguồn các con khe trong Vườn Quốc gia Pù Mát với tập quán săn bắn, hái lượm nên cuộc sống của người dân Đan Lai luôn bị tình trạng đói nghèo, lạc hậu và suy thoái nòi giống bủa vây.

{keywords}
Tập trung nguồn lực hỗ trợ, đồng hành giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 280/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn còn nhiều dang dở. Bà con Đan Lai vẫn chưa thể hòa nhập với cuộc sống mới, đời sống chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước bởi các khu tái định cư còn thiếu nguồn nước để sinh hoạt và sản xuất, đất sản xuất được cấp vừa thiếu, vừa khó canh tác, trong khi trước đó, bà con đã quen với việc khai thác các lâm sản phụ trong diện tích rừng rộng lớn nên rất khó đảm bảo đời sống sản xuất sau khi tái định cư. Cùng với đó, việc thay đổi về không gian sinh sống, văn hóa cộng đồng khiến cho bà con chưa thể hòa nhập với cuộc sống mới.

Những khó khăn tương tự cũng diễn ra với dân tộc thiểu số Ơ Đu. Hiện tại, dân tộc Ơ Đu cư trú tập trung tại địa bàn vùng núi cao của huyện Tương Dương với 179 hộ, 856 nhân khẩu.

Trước đây, bà con sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy hoặc du canh nhưng hiện tại diện tích sản xuất lâm nghiệp đã bị khai thác cạn kiệt nên hầu như rất khó để tạo kế sinh nhai. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người gần như “chạm đáy” khi chỉ đạt 4,8 triệu đồng/năm, bình quân lương thực chỉ đạt 150 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 57%.

Nhận diện những khó khăn mà 2 dân tộc rất ít người ở Nghệ An đang gặp phải, tại Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người, thực trạng và giải pháp” diễn ra hôm 24/6 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh đã nêu những giải pháp và gợi mở thiết thực, nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc rất ít người ổn định cuộc sống.

Cụ thể, Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bền vững để hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc rất ít người nói riêng trong thời gian tới.

Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-TTg ngày 22/8/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu giai đoạn 2016-2025” và Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”. Đây là 2 đề án “then chốt” để tạo động lực phát triển cho đồng bào người Ơ Đu và Đan Lai trên địa bàn tỉnh.

Có mặt tại hội thảo, bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội, đã thống nhất và đưa ra nhiều  giải pháp cấp bách với 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, điều cần thực hiện ngay là việc lo đất ở, nhà ở cho số đồng bào các dân tộc rất ít người gắn với việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản, bổ sung quy hoạch theo định hướng tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó là sự quan tâm đến việc phát triển sản xuất, tạo kế sinh nhai thì phải có đất sản xuất gắn với đầu tư giữ nguồn nước, nguồn sinh thủy, đặc biệt trước mắt cần có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bà Tòng Thị Phóng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước với trách nhiệm cao nhất, giúp nâng cao vị thế của các dân tộc rất ít người để họ không còn là “lõi nghèo” của tỉnh.

Bài: Đỗ Ngân Phương - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Văn Quý - Nhóm PV