- Không khí nhà nhà trồng khoai, người người trồng khoai là điều dễ nhận thấy khi chúng tôi có mặt tại xã Thuận An, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây cũng tập trung phần lớn thương nhân Trung Quốc.

Nông dân vui!?

Theo ghi nhận của chúng tôi, cho đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 thương nhân Trung Quốc đứng ra điều hành thu mua, tập kết và đóng gói khoai lang đưa về nước thông qua đường tiểu ngạch.

Báo cáo của UBND huyện Bình Minh cho biết, đã có 10 kho chứa hàng với tổng diện tích 3.425m2 được thương nhân Trung Quốc thuê mướn phục vụ nhu cầu tập kết hàng hóa và chuyển lên container.

Tiền thuê nhân công sản xuất và chăm sóc từ 80.000 -120.000 đồng/ngày. Riêng người quản lý và phụ trách kỹ thuật được trả lương 7 triệu đồng/tháng.

Chỉ tính riêng ở 10 kho hàng này số lao động làm việc đã lên đến khoảng 500 người, làm bằng… hợp đồng miệng.

Mặc dù vậy, hàng ngày vẫn có nhiều người dân đến các kho bãi tập kết hàng xin làm việc với lý do thu nhập khá cao so với công việc thường ngày.

Tại đây, thương nhân Trung Quốc trả cho lao động địa phương từ 10.000- 15.000 đồng/1 giờ làm việc. Công việc chủ yếu là cạo đất, lựa khoai và đóng thùng chuyển lên container để chở qua cửa khẩu phía Bắc xuất sang Trung Quốc.

Trong khi đó, việc thu mua khoai lang tại ruộng được thương nhân Trung Quốc thông qua các trung gian người địa phương. Sau khi nhận thấy “phong trào” trồng khoai rầm rộ tại địa phương, thương nhân Trung Quốc tiếp tục thông qua các trung gian này thuê đất dài hạn từ 2-3 năm.

Như trường hợp ông Nguyễn Văn Khỏe ở ấp Thuận Tiến C đã cho thuê 1ha trồng khoai và còn có ý định giới thiệu cho các hộ khác cho thuê đất.

“Họ muốn thuê cả vài trăm công đất nữa nên nói với tôi tìm được càng nhiều người muốn cho thuê càng tốt”, ông Khỏe nói.

Tại xã Thuận An đã có gần 50 ha đất lúa được cho thuê để trồng khoai với giá thuê đất là 35 triệu đồng/ha/năm, thời hạn thuê trong 3 năm.

Tiền thuê nhân công sản xuất và chăm sóc từ 80.000 -120.000 đồng/ngày. Riêng người quản lý và phụ trách kỹ thuật được trả lương 7 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo lo

Ông Liêu Cẩm Hiền – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “ngành nông nghiệp chưa có báo cáo chính xác, cụ thể vì hầu hết do người bản xứ thuê đất. Vùng đất này lại đang được quy hoạch, khuyến khích đưa cây màu xuống ruộng theo chủ trương của ngành nông nghiệp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân”.

Cũng theo ông Hiền, việc chuyển từ đất lúa sang trồng khoai lang ở địa phương không ảnh hưởng đến an ninh lương thực vì vùng này không phải là vùng trọng điểm sản xuất lúa. Nhưng mặt khác, việc chuyển đổi ồ ạt với diện tích lớn sẽ gây bất lợi cho nông dân trồng khoai lang. Khi thị trường biến động thì thiệt thòi sẽ là người nông dân.

Không khí nhà nhà trồng khoai, người người trồng khoai là điều dễ nhận thấy khi chúng tôi có mặt tại xã Thuận An, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long

Khi có diện tích đất lớn thì họ có thể sẽ thao túng cả vùng nguyên liệu trồng khoai lang. Hiện tại, hơn 70% sản lượng khoai lang ở địa phương đều xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên chỉ cần họ ngưng xuất 1 vài tháng là nông dân không biết tìm đường đâu mà tiêu thụ với sản lượng khoảng 400 tấn mỗi ngày.

Xác nhận với VietNamNet, ông Trương Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành kiểm tra, nắm tình hình xem phương thức thuê đất như thế nào, tổng diện tích thuê bao nhiêu...

Bước đầu, cơ quan chức năng địa phương này đã xác định, tất cả do người bản xứ đứng ra hợp đồng thuê đất của dân rồi tổ chức sản xuất.

Về vấn đề có thương gia Trung Quốc đứng phía sau các vùng chuyên canh khoai lang, ông Sáu bày tỏ quan điểm không hề muốn vùng trồng khoai lang ở địa phương phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đầy may rủi như hiện nay.

Minh Dũng

(còn nữa)

Chuyện bỏ lúa trồng khoai cho thương gia TQ
Hàng ngàn ha đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được nhiều thương gia Trung Quốc thông qua người dân địa phương thuê đứt trong nhiều năm để đầu tư trồng khoai lang. Tuy nhiên...