Việc ông chủ “tập đoàn” massagage Tân Hoàng Phát bắt giữ hàng loạt tiếp viên trong suốt thời gian dài, cưỡng đoạt tài sản của họ đã gây bất bình trong nhân dân, làm dư luận phẫn nộ. Đặc biệt, sau đó Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại mạnh tay giảm án cho các bị cáo càng khiến dư luận bất bình. Đó là sai lầm nghiêm trọng nên buộc phải hủy án.

Ngày 26/4, theo nguồn tin của VietNamNet, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định hủy toàn bộ hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm vụ Tân Hoàng Phát để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Vụ án gây xôn xao dư luận


Trước đó, cuối năm 2008, từ đơn tố cáo của gia đình các nạn nhân về việc người thân của họ bị bắt giữ, phải làm việc quá nhiều, bị chiếm đoạt tài sản, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đã giải thoát cho 64 nữ tiếp viên đang bị bắt giữ tại cơ sở massgage của Công ty TNHH Tân Hoàng Phát do Phan Cao Trí (40 tuổi, TP.HCM) làm giám đốc.

{keywords}
Bị cáo Phan Cao Trí (bên phải) sau phiên tòa phúc thẩm

Sau sự việc trên, cơ quan chức năng tiếp tục nhận được hàng loạt đơn tố cáo khác liên quan đến vụ việc trên. Trong đó, có người cho biết họ bị giam giữ suốt 5 năm. Vụ án từng gây xôn xao dư luận. Phan Cao Trí cùng đồng bọn bị khởi tố, điều tra về các tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”.

Tháng 1/2011, vụ án được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Phan Cao Trí 5 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, 7 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt là 12 năm tù.

Bị cáo Phan Thị Yến (vợ Trí, 34 tuổi) bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”, 4 bị cáo còn lại cũng bị tuyên phạt từ 2 đến 10 năm tù.

Tháng 12/2011, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của các bị cáo và hai người bị hại.

Mặc dù nhận định cấp sơ thẩm đã có những sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng nhưng HĐXX cấp phúc thẩm không tuyên hủy bản án mà còn mạnh tay giảm án cho các bị cáo khi xác định số người bị hại bị bắt giữ và khoản tiền vợ chồng Trí chiếm đoạt chỉ còn rất ít.

Theo đó, bị cáo Phan Cao Trí được giảm án xuống còn 5 năm tù, Phan Thị Yến còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, 4 bị cáo còn lại được giảm án xuống còn từ 1 năm tù đến 4 năm 6 tháng tù.

Theo dõi quá trình xử phúc thẩm và sau kết quả trên, dư luận lại một lần nữa “dậy sóng” về những gì liên quan đến vụ việc và diễn biến phiên tòa phúc thẩm.

Tháng 6/2012, Chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trên và đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm.

Nhiều sai sót, quá “nhẹ tay” nên hủy án


Sau khi xem xét, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định vụ án còn một số vấn đề chưa được làm rõ.

Thứ nhất, về tội danh “bắt giữ người trái pháp luật”, cáo trạng chỉ truy tố các bị cáo hành vi bắt giữ trái pháp luật đối với 66 người, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng có tới 93 người bị hại nhưng không trả hồ sơ điều tra bổ sung mà vẫn xét xử các bị cáo là vi phạm quy định về giới hạn xét xử (Tòa án chỉ được xét xử trong giới hạn cáo trạng truy tố hoặc thấp hơn) do đó cần điều tra lại để làm rõ.

{keywords}
Các nạn nhân trong cơ sở massagage Tân Hoàng Phát

Thứ hai, về tội “cưỡng đoạt tài sản”, cáo trạng và bản án sơ thẩm đều xác định vụ án có 9 người bị hại. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, chỉ vì Trí, Yến và các bị cáo khai không biết Nguyễn Thị Thùy Trang (một bị hại bị cưỡng đoạt tài sản) là ai, triệu tập nhiều lần nhưng người này không có mặt để giảm số bị hại xuống còn 8 người là chưa có cơ sở.

Ngoài ra, trong vụ án có bị hại khai đã bị vợ chồng Trí cưỡng đoạt 25 triệu đồng, tại tòa người bị hại giữ nguyên lời khai trên nhưng bị cáo Trí và Yến phủ nhận. Cấp phúc thẩm đã tuyên hủy quyết định buộc vợ chồng Trí bồi thường cho bị hại theo hướng có lợi cho Trí là chưa đủ căn cứ.

Đặc biệt, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định việc các bị cáo bắt giữ nhiều người trong suốt thời gian dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng về an ninh trật tự, gây bất bình trong nhân dân, bị dư luận lên án.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng nên cần áp dụng khoản 3 Điều 123 Bộ luật Hình sự để xử phạt các bị cáo mới phù hợp với mức độ phạm tội.

Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá không đúng tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo nên đã áp dụng khoản 2 Điều 123 BLHS để xử phạt các bị cáo là không đúng.

Đặc biệt, khi xét xử phúc thẩm, cấp phúc thẩm lại chỉ áp dụng khoản 1 Điều 123 BLHS (nhẹ hơn cấp sơ thẩm đã áp dụng) và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là sai lầm nghiêm trọng.

Từ những nhận định trên, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến vụ án trên để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Mai Phượng