- Trước phản ánh của báo chí về việc gác Khánh và nhà Tổ của chùa Trăm Gian bị hạ giải và thi công mới hoàn toàn so với kiến trúc cũ, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy nhận định đây là “một lỗi vô thức nhưng hậu quả không đơn giản”.

'Ấu trĩ, qua loa'

Quá trình hạ giải và thi công này diễn ra từ cách đây hơn một tháng nhưng theo báo chí phản ánh, cán bộ xã không can thiệp kịp thời theo đúng chức năng của họ. Cá nhân bà nhìn nhận nguyên nhân sự việc như thế nào?

Theo tôi nguyên nhân là ở nhận thức của người dân, sư trụ trì chùa cũng như các cán bộ quản lý, về pháp luật, đặc biệt là luật Di sản, còn đơn giản, rằng chùa xuống cấp, có nguy cơ sập thì phải sửa chữa. Trong khi đối với một di tích cấp quốc gia, nhà chùa chỉ có quyền quản lý và sử dụng, còn sửa chữa cần theo quy định.

Có lẽ cấp xã cũng đơn giản hóa với tư duy "ăn chắc mặc bền", mà thiếu cân nhắc rằng đây là di sản văn hóa hàm chứa nhiều nội dung quan trọng về kiến trúc, điêu khắc... Luật Di sản và việc bảo tồn di tích cũng là lĩnh vực mà cán bộ xã ít va chạm nên có thể họ còn thiếu kinh nghiệm. 

Tôi cho rằng đây là một lỗi vô thức nhưng hậu quả không đơn giản. Đây là bài học sâu sắc không chỉ cho một cán bộ, một xã đó mà cho tất cả các xã khác và các cán bộ quản lý nhà nước.

Ngổn ngang ở chùa Trăm Gian... Ảnh: Bình Minh

Thực tế thời gian qua đã có một số trường hợp trùng tu sai quy định ở các địa phương khác, nhưng tại sao không có kinh nghiệm nào được rút ra từ những tiền lệ ấy, để sự việc đáng tiếc xảy ra với chùa Trăm Gian, một di tích lớn được người dân cả nước quan tâm?

Các tiền lệ ấy không được nhắc nhiều nên ít người quan tâm, và sự việc ở chùa Trăm Gian chính là "học" từ những tiền lệ ấy, thấy người ta sửa được thì mình cũng sửa được. Điều nguy hiểm là ta không gióng chuông cảnh báo từ những việc nhỏ để rút kinh nghiệm cho việc lớn. Nhưng giờ việc lớn xảy ra rồi, ta phải tiếp tục gióng chuông thôi.

Vì vậy tôi mới nhận định nguyên nhân là do các bên liên quan suy nghĩ quá đơn giản, chứ không ai có lợi ích trong việc này cả. Người dân góp công góp sức giúp nhà chùa dỡ xuống để sửa chữa trước nguy cơ sập, hỏng. Đừng nói người dân phá chùa, oan cho họ và phải tội với nhà chùa.

Nhưng giá nhà chùa cố thêm một hai tháng hoặc tìm cách gia cố, chống đỡ thay vì dỡ xuống... 

Tuy vậy, những thông tin dồn dập về sự việc trong mấy ngày qua đã khiến dư luận rất bức xúc.

Trước hết cần nói rõ rằng, hai hạng mục bị dỡ - gác Khánh và nhà Tổ - đã được phê duyệt về chủ trương tu bổ, tôn tạo từ năm 2010. Đến giữa năm 2012, khi nghe tin sẽ được giao vốn, có lẽ sốt ruột với tình trạng xuống cấp và tình hình mưa bão, nhà chùa đã tự ý quyết định hạ giải. Nhưng những hạng mục chính và quan trọng nhất của chùa vẫn còn nguyên.

Thứ hai, cần chỉ rõ nguyên nhân là ở nhận thức chưa đầy đủ, còn đơn giản, ấu trĩ, qua loa, đại khái về quản lý di tích. Ở cấp xã thực tế vẫn còn phổ biến tình trạng tạm ứng xây dựng trước rồi làm các thủ tục phê duyệt sau, như đối với trường học, đường sá...

Không đổ lỗi

Trong sự việc này, mức độ sai phạm đến đâu và ai sai còn cần thời gian xem xét. Song dư luận đòi hỏi Hà Nội phải làm rõ trách nhiệm.

Trong cuộc họp hôm qua, Chủ tịch UBND TP đã khẳng định, trách nhiệm trước hết thuộc về ban quản lý di tích, sau đó là UBND huyện Chương Mỹ, trong đó có phòng chuyên môn về văn hóa, sau đó là Sở VH-TT-DL. 

Nhưng để làm rõ trách nhiệm, cần lập một đoàn thanh tra của Sở để xử lý theo quy định. Trong lúc chờ kết luận thanh tra, trước mắt tạm đình chỉ trưởng ban quản lý di tích, đình chỉ việc xây mới… Hà Nội như vậy là đã nhận trách nhiệm chứ không phải đổ lỗi cho nhau.

UBND TP cũng chỉ đạo thành lập một tổ tư vấn có cán bộ chuyên môn của Cục quản lý di sản thuộc Bộ VH-TT-DL để xác định những hạng mục có thể khắc phục, làm lại như cũ hoặc trùng tu...

Phải chăng do việc phân cấp quản lý chưa phù hợp với một di tích tầm cỡ như chùa Trăm Gian đã dẫn đến chồng chéo trách nhiệm?

Trong cuộc họp hôm qua, trên cơ sở phân tích vụ việc, UBND cũng đã giao cho Sở VH-TT-DL tham mưu đề xuất xây dựng một quy chế mới về phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình hiện nay.

Để khắc phục tận gốc vấn đề này, theo bà cần bắt đầu từ đâu?

Có nhiều việc mà Hà Nội phải làm. Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo, trước hết, rút kinh nghiệm từ sự việc này, Hà Nội phải có hướng quản lý tất cả các di tích thuộc thẩm quyền của thành phố để các hoạt động sửa chữa sau này theo đúng quy định pháp luật và có vai trò của các cấp chứ không thể đơn giản như xây trường học, đường sá...

Thứ hai là tính đến một kế hoạch dài hơi để trùng tu các di tích. Nhiều di tích thực sự xuống cấp quá rồi mà mùa mưa bão đang đến, chưa kể mối mọt... Thực tế trong hai năm gần đây, việc tu bổ các di tích rất thiếu vốn và không được quan tâm đúng mức. Các nhà chùa, nhà sư dựa vào công đức và tự thân kêu gọi là chính chứ nhà nước chưa đầu tư được nhiều. 

Để đến khi các di tích ấy sập thì cũng chẳng còn kiến trúc nào để bảo tồn nữa.

Chung Hoàng