- Chỉ ra hàng loạt tiêu cực trong điều hành kinh doanh xăng dầu, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần làm rõ sự bất lực của cơ quan chức năng là "do năng lực hay do tiêu cực cố tình làm ngơ cho vi phạm".

Phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay, bà Lê Thị Nga chỉ ra 4 bất cập trong điều hành kinh doanh xăng dầu.

Đề nghị Bộ trưởng trả lời

Về cơ sở pháp lý, ĐB Nga cho rằng, kinh doanh xăng dầu đang được thực hiện theo nghị định 84 năm 2009. Hiếm có lĩnh vực nào mà tất cả các bên liên quan đều có nhiều bức xúc, người dân bất bình vì giá tăng nhanh, giảm chậm. DN đại lý thì kêu lỗ, quản lý nhà nước lúng túng, ngân sách thất thu. Nhiều quy định của luật Cạnh tranh, luật Hải quan, luật Phòng chống tham nhũng đã không được chấp hành nghiêm. Lời hứa sửa đổi nghị định 84 của các bộ trưởng cách đây một năm vẫn chưa thực hiện được.

Theo bà, tại sao các lĩnh vực kinh doanh khác như điện, bảo hiểm, bất động sản thì Chính phủ đề xuất với QH xây dựng luật được mà với xăng dầu - mặt hàng chiến lược thiết yếu - thì nhiều năm nay Chính phủ vẫn kiên trì điều chỉnh bằng một văn bản dưới luật.


Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: Đề nghị Bộ Công an vào cuộc...

"Đề nghị QH nên có luật hoặc pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các bên, đặc biệt ràng buộc trách nhiệm của QH trong giám sát để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", bà Nga nói.

Thứ hai, về yếu tố thị trường và cạnh tranh. Hiện có 12 DN đầu mối xăng dầu. Nhưng tổng thị phần của Petrolimex, PV Oil và SaiGon Petro chiếm tới khoảng 90%. Riêng Petrolimex đã chiếm khoảng 60%. Đây là nhóm DN thống lĩnh thị trường. Qua nhiều đợt tăng giá, cho thấy các DN đồng loạt tăng giống nhau. Đây là điều bất thường, có dấu hiệu cho thấy nhóm các DN thống lĩnh thị trường đã vi phạm luật Cạnh tranh.

"Căn cứ luật Cạnh tranh và nghị định 116 đã có đầy đủ căn cứ để Cục quản lý cạnh tranh điều tra về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nhưng do cơ quan chủ quản của Petrolimex và Cục quản lý cạnh tranh đều thuộc Bộ Công thương nên chưa từng có một cuộc điều tra nào được thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng Công thương trả lời về vấn đề này", bà Nga phân tích.

Theo bà, ta chưa có thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh mà DN lại được quyền điều chỉnh giá theo thị trường nên đã đẩy cả nhà nước và người dân vào thế phụ thuộc vào nhóm DN thống lĩnh thị trường.

Đối với nhà nước, nhóm DN này thường xuyên gây sức ép đòi tăng giá. Với dân, giá nào DN đưa ra dân cũng phải mua. Nghịch lý là đáng lẽ người dân là đối tượng để các DN đầu mối chăm sóc thì ngược lại, đại lý bán lẻ mới là đối tượng phải chạy theo DN. Bắt tay nhau đều có lợi thì chẳng dại gì DN và đại lý cạnh tranh giảm giá cho dân để giảm lợi của chính mình.

Vì vậy, khi giá thế giới giảm thì chạy đua tăng chiết khấu để lôi kéo đại lý. Đề nghị Chính phủ xem lại thẩm quyền điều chỉnh giá của DN trong điều kiện còn chưa giám sát tốt nhóm DN thống lĩnh thị trường để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ Công thương vừa là đại diện chủ sở hữu nhà nước quản lý phần vốn tại DN chiếm thị phần lớn, vừa quyết định quản lý giám sát, cạnh tranh thì khó đảm bảo tính khách quan.

Trước những biểu hiện độc quyền, mập mờ thông tin lỗ lãi, thiếu trách nhiệm giải trình quản lý, vừa đá bóng vừa thổi còi, nhiều cử tri đặt vấn đề về lợi ích nhóm, tham nhũng liên quan đến quản lý, điều hành xăng dầu.

Đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc. Đề nghị QH xây dựng một cơ quan giám sát thị trường độc lập tách khỏi cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ ba, về thuế phí tăng giá xăng. Hiện nay giá mỗi lít xăng gánh tới 5 loại thuế, quỹ, chiếm tới trên 30%, thậm chí tới 40% giá. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý, đề nghị QH nên sớm bãi bỏ.

Quỹ bình ổn giá là khoản tiền dân ứng trước cho DN để phòng ngừa lúc tăng giá. Nhưng hiện nay quỹ vẫn để lại DN, có dấu hiệu thiếu công khai minh bạch, mập mờ. Người tiêu dùng được hưởng lợi gì từ những đồng tiền bỏ ra lâu nay vẫn chưa được làm rõ.

Làm rõ sự bất lực của cơ quan chức năng

Về tạm nhập tái xuất, ĐB Nga khẳng định, theo công ước Kyoto về hải quan mà VN là thành viên và khuyến cáo của tổ chức quốc tế thì xăng dầu không nằm trong danh mục hàng hóa tạm nhập tái xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Bộ Công thương cho phép tạm nhập tái xuất đối với xăng dầu vô hình trung hợp pháp hóa hành vi buôn lậu để DN trốn thuế nhập khẩu và xuất khẩu.

Năm 2009 đến 2012, các DN đã quên tái xuất gần 2 triệu tấn xăng dầu. Nếu DN tạm nhập với thuế 0% rồi bán trong nội địa với mức thuế 12% thì giá trị lớn. Nếu bị phát hiện để truy thu thuế cũng không bằng lợi nhuận chênh lệch. Chưa kể nếu bắt tay với cán bộ hải quan thì chưa chắc đã bị phát hiện.

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm. Đề nghị Bộ Tài chính triệt để chống thất thu ở khâu này, bù vào giá để giảm gánh nặng cho dân.

Thứ năm, về quản lý nhà nước. Dù có đầy đủ lực lượng chuyên trách và phối hợp nhưng các vụ bán xăng dởm, pha tạp chất lớn vừa qua chủ yếu do báo chí phát hiện. Chính phủ cần làm rõ sự bất lực của cơ quan chức năng là do năng lực hay do tiêu cực cố tình làm ngơ cho vi phạm.

Trước các vụ cháy xe liên tục, dân đặt nghi vấn về xăng pha tạp chất. Nhưng đến nay Bộ Khoa học - Công nghệ vẫn chưa kết luận được.

Cả nước có 37 triệu ô tô, xe máy, nếu xăng dởm gây cháy mà không ngăn chặn được thì số phương tiện khổng lồ này có thể cháy nổ bất cứ lúc nào, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân.

Bộ trưởng Công thương: Luôn thực hiện theo quy định

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, "đến lúc này mọi việc luôn được thực hiện theo quy định".

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: Mọi việc luôn được thực hiện theo quy định

Ông Hoàng giải thích, Hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh do Bộ Công thương quản lý là bởi theo quyết định thì Hội đồng cạnh tranh do Thủ tướng bổ nhiệm, có các bộ ngành đại diện, làm việc theo nguyên tắc liên bộ chứ không phải chỉ có Bộ Công thương.

Khi xuất hiện tình huống cần xử lý luật Cạnh tranh thì Hội đồng cạnh tranh sẽ xem xét xử lý để giải quyết.

Đến lúc này mọi việc luôn được thực hiện theo quy trình. Chúng tôi cũng nhận thức rằng nếu để Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương thì sẽ vừa quản lý vừa kiểm soát nên đang đề xuất tách Cục khỏi Bộ và trực thuộc Hội đồng - ông Hoàng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, tạm nhập tái xuất là hoạt động thương mại bình thường. Tuy nhiên tạm nhập cái gì và tái xuất cái gì lại thuộc quyền cho phép của từng nước.

"Lào, Campuchia yêu cầu ta cung cấp xăng dầu cho họ. Bởi điều kiện quản lý, do kinh nghiệm quản lý của họ chưa bằng. Do đó ta tạm nhập để xuất sang các nước bạn. Đối tượng thứ hai là hoạt động của máy bay, tàu thuyền nước ngoài cũng có nhu cầu mua. Những hoạt động này không chỉ có Petrolimex đảm nhiệm mà còn do cả xăng dầu hàng không, xăng dầu hàng hải thực hiện. Đây là những việc cần thiết và cũng theo đúng quy định", ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận vừa qua có một số trường hợp lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu trục lợi. Hải quan và cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý. Do vậy, trước mắt ban hành quy định chỉ cho tạm nhập tái xuất với hoạt động đối ngoại và tàu thuyền, máy bay của nước ngoài.

Phiên thảo luận tiếp tục diễn ra vào buổi chiều.

Lê Nhung - Ảnh: Quang Khánh
Nguồn clip: VTV