Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 90/116 xã (77,6%) đạt chuẩn NTM, các xã còn lại có 11 xã đạt từ 15–18 tiêu chí, 15 xã đạt từ 10–14 tiêu chí.  

Trong quá trình xây dựng NTM, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nông thôn Lâm Đồng đã có những đổi thay căn bản và toàn diện. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Toàn tỉnh đã đầu tư được khoảng 1.900 km đường, trong đó xây dựng mới trên 700 km; nâng cấp, sửa chữa 1.200 km; đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 85 cầu lớn nhỏ.

Mười năm qua, Lâm Đồng đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 56 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, 150 km kênh mương, 1.700 ao, hồ nhỏ; các hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm được ứng dụng mạnh mẽ.

Tính đến nay toàn tỉnh có 636 trường mầm non, phổ thông công lập các cấp, tăng 86 trường so với năm 2010 trong đó có 393 trường đạt chuẩn quốc gia.

{keywords}
Nông nghiệp 4.0 sẽ được ưu tiên phát triển ở Lâm Đồng trong quá trình xây dựng NTM

Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Hiện nay Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều buôn làng trù phù với những cánh đồng lớn áp dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Sản xuất nông nghiệp ổn định theo đúng chủ trương tái cơ cấu ngành. Chủng loại nông sản ngày càng đa dạng phong phú, trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy tăng nhanh. Năm 2018 đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 65,5% so với năm 2010. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt 56.403 ha, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, đặc biệt có nhiều mô hình có giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng/ha. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha/năm tăng gấp đôi so với năm 2010.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 39 triệu đồng/năm tăng gần 4 lần so với năm 2010.

Với những thành quả trên, Lâm Đồng trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM ở Tây Nguyên. Đặc biệt, Đơn Dương là 1 trong 4 huyện được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của toàn quốc.

Hiện, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019- 2025

Theo ông Nguyễn Đình Khoát - Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng, ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng NTM kiểu mẫu, trên thực tế chủ yếu là ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp ở những địa phương đang xây dựng NTM kiểu mẫu.

Đối với huyện Đơn Dương, mục tiêu là xây dựng huyện phát triển toàn diện và bền vững, trở thành kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh, tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, có hàm lượng khoa học CNC, có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và hướng đến xuất khẩu, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo đề án, đến năm 2025, 5 xã của huyện Đơn Dương sẽ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông. Trong đó, có 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đối với 3 sản phẩm chủ lực là rau, hoa và bò sữa.

Để cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra, địa phương cần thực hiện 5 tiêu chí gồm: Quy mô sản xuất, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng CNC theo hướng thông minh, hiệu quả và bền vững.

Song, theo ông Khoát, để hoàn thành được mục tiêu đề ra, huyện Đơn Dương cần quy hoạch hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao, chọn sản phẩm chủ lực gắn liền với địa phương rồi lãm theo chuỗi. Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình liên kết tổ hợp tác, HTX. Đồng thời tạo điều kiện về chính sách ưu đãi thuế, đất đai để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp CNC từ khâu sản xuất đến khâu chế biến.

Bài: Đỗ Thị Thanh Bình - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV