Trong phòng xử án, bị cáo là một thanh niên chưa đầy 28 tuổi nhưng đã có “thâm niên” sáu năm ngồi trong trại tạm giam, từng bị tuyên án tử hình hai lần. 

TIN BÀI KHÁC

Vị chủ toạ hỏi chậm: “Theo bị cáo, nạn nhân là người dân tộc S’Tiêng, mới 11 tuổi, liệu có hiểu câu “chơi một cái” nghĩa là giao cấu không? Trả lời: “Bị cáo không biết, vì chuyện ấy bị cáo không làm, bị cáo khai theo bản tự khai viết sẵn do cán bộ điều tra đưa. Ba điều tra viên thay phiên lấy lời khai và liên tục đánh bị cáo. Có lúc cán bộ dùng ba sợi dây thép như lưới B40 quấn lại đánh bị cáo nên bị cáo phải khai theo”… 

Đây là một đoạn của phiên xử hình sự sơ thẩm ngày 13.7.2010 tại toà án nhân dân tỉnh Bình Phước. Bị cáo tên Lê Bá Mai, quê Thanh Hoá, đang đối mặt với án tử hình khi bị viện kiểm sát tỉnh truy tố tội “Hiếp dâm trẻ em và giết người”.

Bị cáo liên tục cười

Những câu trả lời của Mai khiến cả người xét xử lẫn người tham dự ngỡ ngàng. Bị cáo khai đã học và đọc thuộc lòng bản cung nhận tội theo ý cán bộ điều tra. Bản cung đó, dù được cơ quan điều tra làm đi làm lại nhiều lần nhưng cũng chỉ đơn giản: ngày 12.11.2004, Mai được thuê đi rải phân trồng mì.

Thấy hai cháu Út (11 tuổi) và Hằng (chín tuổi) đang mót củ đậu gần đó, Mai bèn lấy xe máy rủ Út vào vườn mít trong trang trại Mai đang làm thuê chơi. Đến nơi, Mai nói với Út: “Cho chú chơi một cái”, Út không cho mà doạ sẽ về méc lại gia đình. Nghe thế, Mai liền dùng tay chặt vào gáy Út khiến nạn nhân té bất tỉnh. Sau đó Mai thực hiện hành vi đồi bại rồi lấy quần của nạn nhân siết cổ cho đến chết.

Mai sẽ đáng chết nếu phạm tội tày trời như cáo trạng. Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng đầy mâu thuẫn. Nhân chứng Hằng, thời điểm xảy ra vụ án (năm 2004) mới chín tuổi. Hằng khai lúc thấy người thanh niên giống Mai, khi khác lại bảo là Mai đã chở nạn nhân Út. Hằng còn khai thêm, các vật dụng Mai chở theo xe gồm bình nước đá màu đỏ, đi xe cup 86 màu xanh đen.

Trong khi cơ quan công an thu thập tại nơi ở của bị cáo Mai không có những vật dụng này. Hằng chưa một lần nói chuyện với Mai, chỉ thoáng thấy vài lần. Chiếc xe máy của chủ trang trại đưa Mai dùng có màu xanh vỏ dưa… Ngoài ra, một số tình tiết khác cũng chưa được cơ quan tố tụng làm rõ, như: bị cáo Mai khai chặt mạnh tay vào gáy nạn nhân từ phía sau, trong khi nạn nhân lại té ngửa. Không có bất cứ tài liệu nào thể hiện có tinh dịch và xác tinh trùng của Lê Bá Mai trong người nạn nhân... v.v và v.v.

Mỗi khi ra toà, Mai hay cười, cười xuyên suốt các buổi xử, đến nỗi chủ toạ phải nhắc nhở. Bên dưới hàng ghế phòng xử, hai người cha mặt đầy vẻ mệt mỏi, đăm chiêu. Một người đã mất một đứa con, người còn lại có thể sắp mất con. Chẳng biết Mai cười gì? Tin vào công lý và tính nghiêm minh của pháp luật hay đó là hệ quả của chuỗi dài 2.000 ngày trong trại tạm giam đối mặt với bản cung, lời khai, nhận tội...?

Sáu năm qua, kỳ án vườn mít luôn ở vị trí nóng của các cơ quan tiến hành tố tụng mỗi khi được nhắc đến. Cũng không thiếu tiếng nói của những người từ cơ quan quyền lực tối cao đến luật sư, chủ trang trại..., họ không tìm cách cứu một bị cáo phạm trọng tội bị xử tử hình, mà muốn sự thật được phơi bày để sự nghiêm minh của pháp luật được bảo toàn. Tất cả cùng mong muốn, kết tội bất kỳ ai cũng phải tạo ra sự thuyết phục, nhất là khi bản án có thể tước đoạt đi mạng sống một con người.

Ngày 18.5, toà án nhân dân tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đưa vụ án Lê Bá Mai ra xét xử sơ thẩm lần ba. Gần một năm, kể từ ngày toà trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan điều tra và viện KSND tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm: Lê Bá Mai phạm tội, dù không có thêm tình tiết mới.

Cuối năm 2004, người ta phát hiện một xác chết trong khu vườn mít ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Nạn nhân được xác định là Út, 11 tuổi chết được khoảng năm ngày. Từ lời khai của nhân chứng Hằng, chín tuổi, Lê Bá Mai bị bắt giam ngay sau đó. Tại cơ quan điều tra, Mai khai nhận tội để rồi mỗi lần ra toà, bị cáo này dứt khoát phản cung. Mai cho rằng mình bị điều tra viên đánh đập, ép cung. Bị cáo Lê Bá Mai bị hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên tử hình. Sau đó viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, vụ án được điều tra, xét xử lại.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)