- Tham gia diễn đàn 'Xe đạp có chống được tắc đường?' trên VietNamNet, độc giả Nguyễn Thành Lập cho rằng: Đừng cực đoan “thần thánh hóa” một loại xe nào!

Nhằm góp phần giảm tắc đường nội thành Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội nảy sáng kiến phát triển phương tiện giao thông xe đạp, khỏi cần đến xăng dầu, lại không gây ô nhiễm môi trường thành phố.

Như vậy “nhất cử tam tiện”, chứ không phải “nhất cử lưỡng tiện”.

Tôi cho rằng, sáng kiến của Sở Công Thương là đúng và “công hiệu” trên cơ sở lý thuyết - khi tất cả mọi người chúng ta đều có những chuyến đi, cung đường phù hợp với xe đạp.

{keywords}
Độc giả Nguyễn Thành Lập cho rằng: Đừng cực đoan “thần thánh hóa” một loại xe nào!

Ngoài ra, tôi bổ sung thêm tác dụng rèn luyện sức khỏe đối với người điều khiển xe đạp. Bởi vì, các buổi sáng sớm không mưa, tôi đều đi xe đạp thể thao giữ gìn sức khỏe.

Tuy nhiên, do đường hiện nay quá bụi, nên khi đi xe đạp chúng ta cần phải đeo kính “cộng” với khẩu trang.

Và đặc biệt, với điều kiện đường sá, số lượng, thành phần phuơng tiện giao thông các thành phố lớn ở nước ta, cũng trên cơ sở lý thuyết (không chỉ có riêng xe đạp giảm tắc đường), nếu như tất cả mọi người chỉ dùng duy nhất 1 loại - thành phần phương tiện giao thông: hoặc là xe 4 bánh (bỏ xe 2 bánh); hoặc là xe máy (bỏ xe 4 bánh, xe đạp) - cũng sẽ giảm tắc đường.

Song, trên thực tế chưa có 1 loại phương tiện giao thông nào (kể cả phương tiện giao thông cá nhân, hay phương tiện giao thông công cộng) phù hợp - đáp ứng được với tất cả lộ trình, cung đường, mục đích các chuyến đi của mọi người.

Thí dụ, đối với tôi, đi xe đạp thể thao buổi sáng sớm nêu trên, chỉ thích hợp trong cự ly dưới 5 km. Còn từ nhà tôi (ở quận Cầu Giấy) về quê tôi (ở quận Long Biên) cách xa nhau 15 km, tôi lại dùng xe 4 bánh cá nhân.

Đối với khá nhiều người nước ngoài, tuy họ có phương tiện giao thông công cộng rất phát triển, nhưng trong 1 số phương tiện (giao thông công cộng), cũng có chỗ để xe đạp cá nhân cho hành khách có thể mang theo, để (sau khi xuống ga) chủ động “tăng bo” bằng xe đạp tới địa điểm cần đến.

Trở lại Việt Nam, về lĩnh vực tổ chức điều tiết giao thông thành phố lớn, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế lưu hành loại xe này, khuyến khích lưu hành loại xe kia.

Chẳng hạn, trong đường nội thành giờ cao điểm: cấm xe 4 bánh cá nhân ra phố. Đồng thời “bật đèn xanh” cho xe buýt và xe đạp hoạt động…

Nhưng song song với việc tạo cơ hội mua xe đạp, tuyệt đối không sai lầm ban hành chính sách hạn chế người dân mua sắm xe 4 bánh cá nhân hay xe máy.

Bởi vì, hạn chế lưu hành xe và hạn chế mua sắm xe là 2 việc, 2 phạm trù khác nhau.

Mặt khác, trong 1 gia đình của 1 đất nước văn minh hiện đại, có thể có cả máy bay, ô tô, mô tô, xe gắn máy và xe đạp cá nhân. Cũng ví như hình thức ăn uống tự chọn; tuỳ thuộc vào từng lộ trình, chuyến đi, vào việc tổ chức điều tiết giao thông thành phố (nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông), mà mọi người đi đường chúng ta có thể sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm, tầu điện nổi công cộng (trong tương lai gần), xe 4 bánh cá nhân, xe máy, hay xe đạp...

Vì thế, đừng cực đoan “thần thánh hóa” một loại xe nào.

Đi xe đạp có giảm ùn tắc?

Theo Sở Công thương Hà Nội, việc phát triển xe đạp trong giao thông sẽ là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả, góp phần tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.

Độc giả Nguyễn Thành Lập