Các bệnh viện tuyến Trung ương đã không ít lần chứng kiến những hoàn cảnh éo le vì sự túng thiếu, nghèo đói hoặc hiểu biết, ý thức kém của người bệnh cũng như thân nhân của họ. Đã có những trường hợp bệnh nhân qua đời, người nhà không dám nhận xác vì không có tiền thanh toán viện phí.
  Căn bệnh hiếm gặp của những đứa trẻ nghèo
 
Không dám nhận xác con vì… quá nghèo!


Chị Vũ Thị Mai, thôn Bãi Sậy, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã ròng rã chăm cháu bị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Nhi TW suốt hơn 1 năm nay và chị đã chứng kiến những hoàn cảnh mà theo chị là “khó có thể tưởng tượng ra được nếu không đến bệnh viện”.
 

 

Ở Việt Nam, người càng nghèo thì mắc bệnh càng nhiều. Vì quá nghèo, nhiều câu chuyện khó tưởng tượng đã xảy ra trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến cuối (nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng). (Ảnh Cẩm Quyên).

Suốt hơn 1 năm ăn nghỉ tại khu vực nhà trọ quanh Bệnh viện nhi TW, chị Mai đã chứng kiến một vài trường hợp, mà điển hình là một cặp vợ chồng ở Vĩnh Phúc, sau khi sinh con, phát hiện con bị tim bẩm sinh liền cho cháu nhập viện. Sau một thời gian điều trị nhưng không qua khỏi, cha mẹ của bệnh nhi đã lẳng lặng bỏ đi, không nhận lại xác con.

Theo chị Mai, gia đình cặp vợ chồng này có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn bởi cả 2 đều làm nông nghiệp. Ngoài mấy tấc đất cắm rùi ra thì không còn một tài sản gì có giá trị.

Trong suốt quãng thời gian ở trọ chăm con, 2 vợ chồng hầu như đều sống nhờ sự giúp đỡ của những người khác nghèo ít hơn mình. Mỗi bữa ăn đều được mọi người san sẻ cho chút ít, đồ dùng cũng phải dùng chung. Thậm chí ban đêm, anh chồng không dám thuê phòng trọ ngủ mà phải vạ vật ngoài vỉa hè vì sợ tốn tiền, dù tiền thuê phòng chỉ 5-10 ngàn đồng/đêm.

Được hơn 3 tháng, cháu bé không qua khỏi. Chị Mai ở cùng phòng trọ với cặp vợ chồng trên cho biết: “Ngay hôm cháu mất, hai vợ chồng lẳng lặng khăn gói đi ngay lập tức mà không nói với ai câu nào. Đến khi trong bệnh viện có người ra khu nhà trọ tìm thì mọi người mới hay cháu bé đã qua đời. Nhưng sau đó hình như bệnh viện không tìm ra được tung tích của 2 người nên đã lặng lẽ mai táng cho cháu”.

Lý do cho việc đột ngột biến mất này, theo chị Mai (và những người khác ở trong cùng khu trọ) là vì gia đình không có tiền thanh toán. “Trước khi họ đi, mấy lần tôi thấy 2 vợ chồng ngồi ôm nhau khóc vì số tiền lớn quá so với khả năng trả của mình, dù cháu có bảo hiểm nhưng không được thanh toán hết. Hơn nữa, tôi nghĩ họ có thể bỏ được là vì từ khi cháu bé ra đời cho đến khi cháu qua đời, quãng thời gian quá ngắn ngủi, lại hầu như không chăm bẵm trực tiếp, tình cảm không phát sinh nhiều”.

Khi đề cập đến việc nhiều người trong bệnh viện truyền tai nhau câu chuyện về những gia đình không dám nhận xác con sau khi con qua đời vì không có tiền thanh toán viện phí, bà Dương Thị Minh Thu, tổ trưởng tổ công tác xã hội – Bệnh viện Nhi TW – xác nhận cũng đã có không ít gia đình không nhận lại xác con nhưng lý do thì không phải trường hợp nào cũng giống nhau, trong đó cũng có nguyên nhân liên quan đến kinh tế. Tuy nhiên, bà Thu lưu ý là dù vì lý do gì thì cũng luôn có cách giải quyết tốt nhất có thể và bệnh viện sẽ trợ giúp trong khả năng của mình.

“Trăm sự nhờ bệnh viện”

Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi TW tiếp nhận một bệnh nhi ở Hòa Bình, bệnh hiểm nghèo và tình trạng bệnh rất nặng. Sau một thời gian điều trị, cháu bé không qua khỏi nhưng khi tìm người thân thì không còn ai ở lại bệnh viện.

Căn cứ vào địa chỉ để lại trong sổ y bạ, cán bộ bệnh viện đã liên hệ về gia đình và nhận được một lời đáp “trăm sự nhờ bệnh viện”.

 
Bệnh viện Nhi TW đã hỗ trợ nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngay cả khi bệnh nhân mắc bệnh nặng không qua khỏi. (Ảnh Cẩm Quyên).

Bà Thu cho biết: “Nếu gia đình quá khó khăn thì có thể trình bày hoàn cảnh để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất có thể từ các tổ chức từ thiện trong xã hội. Với trường hợp này, bệnh viện đã phải cử người về tận nơi xem có phải vì hoàn cảnh quá khó khăn nên mới bỏ con lại hay không. Song kết quả là gia đình cũng không đến nỗi nào. Như vậy có thể quy về chuyện ý thức đạo đức”.

Lại có những trường hợp ở giữa rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh (năm 2009) nhưng con phải đi cấp cứu. Cháu bé cũng không qua khỏi. Mang xác cháu về quê thì không có chỗ chôn vì nước ngập sâu trắng xóa, hơn nữa gia đình cũng thuộc diện quá khó khăn khi không còn một đồng nào trong túi, nhà cửa cũng đã bị lũ cuốn hết.

“Bố cháu khóc lóc vì bất lực. Tuy nhiên, họ nghèo nhưng vẫn không bỏ xác con. Khi bệnh viện có gợi ý có thể hỏa táng cháu để mang tro cốt về quê, người cha không đồng ý vì tập tục ở quê không cho phép.

Vì vậy, không còn cách nào khác, bệnh viện phải giúp đỡ bằng cách bảo quản thi hài cháu khoảng 1 tuần, đến khi nước lũ rút hẳn, bệnh viện cho riêng một xe đưa xác cháu về quê. Trong thời gian chờ đợi đó, bệnh viện cũng đã hô hào ủng hộ gia đình được 10 triệu đồng từ các tổ chức từ thiện. Toàn bộ số tiền này được chuyển hết cho gia đình lo làm lễ tang cho cháu”, bà Thu nói.

 

Cạm bẫy nghèo đói từ bệnh tật

Nghiên cứu của TS Hoàng Văn Minh (Bộ môn Kinh tế Y tế - ĐH Y Hà Nội) và ThS Nguyễn Thị Kim Phương (WHO) về “Gánh nặng chi phí y tế của hộ gia đình tại Việt Nam: kết quả phân tích số liệu điều tra mức sống dân cứu 2002-2008” cho thấy một số con số rất đáng báo động.

Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam phải chi phí cho y tế tới mức “thảm họa” (tiền túi bỏ ra/khả năng chi trả >= 40%) là cao và không giảm đi theo thời gian. Năm 2008, có 6% số hộ gia đình ở Việt nam phải gánh chịu mức chi y tế thảm họa. Tỷ lệ này khá cao so với quốc tế.

Hiện tượng nghèo hóa do chi phí y tế đang xảy ra và cũng không có dấu hiệu giảm đi. Năm 2008, có 3,7% số hộ bị “nghèo hóa” do chi phí y tế. Điểm đáng chú ý là chi phí y tế thảm họa và nghèo hóa xảy ra nhiều hơn ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có người già.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của BHYT đối với việc bảo vệ người dân khỏi bị chi phí y tế “thảm họa” và nghèo hóa còn hạn chế, bởi bệnh nhân có BHYT vẫn đang phải chi trả trực tiếp từ tiền túi khá cao.

Để bệnh tật “không còn là cạm bẫy của sự nghèo đói” như lời nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Mạnh Hùng thì sự nỗ lực của cả cộng đồng và người dân là rất lớn, đặc biệt là vai trò của ngành y tế. Chi phí điều trị còn nhiều tiềm năng để giảm mạnh hơn nữa (mức chi cho cùng 1 bệnh viêm phổi trẻ em chênh nhau tới 79 lần do việc lạm dụng thuốc, xét nghiệm, vv…)



•   Cẩm Quyên

HTML clipboardMọi sự đóng góp xin gửi về:
 
 Báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ cho người nào trong tuyến bài):
 Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
 Số tài khoản: 0011002643148
 Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
 - Chuyển khoản từ nước ngoài:
 Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
 -The currency of bank account: 0011002643148
 -Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
 -Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
 -SWIFT code: BFTVVNVX
 Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:
 
 Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 04.37722729 - Fax: 04.39744882
 Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.
 Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
 Email: banbandoc@vietnamnet.vn

  Căn bệnh hiếm gặp của những đứa trẻ nghèo