Mặt bằng kinh doanh của những doanh nghiệp này chỉ vài m2, làm giám đốc, nhưng tự tay những ông, bà chủ này phải cắt từng lạng thịt, nhặt bó rau, cọng hành để bán cho khách hàng.
Gần như tất cả những người buôn bán nhỏ lẻ từ rau củ, thịt cá, hàng tạp phẩm... trên tuyến đường Tân Thới Hiệp 21, quận 12, TP.HCM đều phải trở thành giám đốc. Mang danh "ông chủ lớn", nhưng hàng ngày công việc của họ là dậy sớm đến chợ lấy thịt, mua cá, mua rau, rồi phải tự tay chặt thịt, nhặt rau, gọt củ bán cho khách.
Giám đốc phải đích thân bán thịt. |
Và dù doanh thu hàng ngày chỉ vài chục cho đến hơn trăm nghìn đồng, nhưng các doanh nghiệp này đều phải tuyển dụng hoặc thuê nhân viên làm báo cáo thuế hàng tháng.
Ông Văn Hùng, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) bán nông sản trên đường Tân Thới Hiệp, 3h sáng hằng ngày vẫn chạy xe máy lên chợ nông sản Thủ Đức để mua rau, trái cây rồi vội vã lộn về để kịp dọn hàng.
Mang danh là DNTN, nhưng cửa hàng của ông chỉ vỏn vẹn có 6 m2, tài sản doanh nghiệp cũng chỉ có cái sạp gỗ, cái cân với mấy cái rổ đựng trái cây và một tấm bảng khiêm tốn ghi tên, địa chỉ doanh nghiệp trên đó.
Doanh nghiệp tư nhân chỉ là những sạp hàng rau củ quả có diện tích vài mét vuông. |
Ông Hùng cho biết: “Chẳng qua vì kế sinh nhai chứ tôi chả hứng thú gì với cái danh giám đốc này. Có ông giám đốc nào suốt ngày gọt củ cải như tôi không? Cách đây 4 năm, phường không cho kinh doanh nông sản trên tuyến đường Tân Thới Hiệp, khổ nỗi kinh tế cả nhà tôi chỉ trông chờ vào cái sạp rau củ này thôi, thấy nhiều hộ kế bên rủ nhau đi đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch đầu tư thành phố nên tôi cũng làm liều, thành lập doanh nghiệp tư nhân để được tiếp tục bán rau”.
Chị Hoa, một kế toán viên chuyên làm báo cáo thuế cho nhiều doanh nghiệp tại đây cho biết: “Những doanh nghiệp ở đây thực chất chỉ là những cửa hàng bán lẻ, hàng ngày chỉ bán được hơn chục kg thịt, vài kg rau,… nên việc làm sổ sách, khớp các chứng từ cho các doanh nghiệp “bé nhỏ” này cũng không hề đơn giản, giá dịch vụ kế toán mỗi tháng cũng tốn hơn 1 triệu đồng/doanh nghiệp”.
Những sạp thịt, cá, rau củ này từ ngày trở thành những doanh nghiệp, người dân phải chịu thêm nhiều khoản thuế, như thuế doanh nghiệp, thuế môn bài, các loại biểu phí hành chính khác … cộng thêm với các khoản chi vốn có như mặt bằng, hàng hóa… tăng cao làm cho tình hình kinh doanh cũng khó khăn hơn.
Dịch vụ làm sổ sách, báo cáo thuế cũng nở rộ trên đường này. |
Song việc được làm giám đốc cũng khiến những giám đốc ở đây lạc quan. Ông Nguyễn Thanh Sang, giám đốc doanh nghiệp Hùng Cẩm, chuyên cung cấp các loại rau thịt, cho biết: “Kể từ ngày lên doanh nghiệp tư nhân, bà con ở đây yên ổn làm ăn, không còn bị cấm đoán, vậy cũng mừng lắm rồi.
Dù lợi nhuận có phần giảm vì nhiều chi phí phát sinh, song nhiều nhà đã gắn bó, sống với nghề buôn bán nông sản từ nhiều năm, nên giờ nếu nhà nước mà không cho bán thì bà con cũng không biết làm gì nữa”.
Nguyên nhân của câu chuyện cả xóm cùng làm giám đốc này là do nhiều hộ dân ở con đường này lâu nay vẫn sống bằng bán lẻ nhiều mặt hàng khác nhau. Giữa năm 2010, vì lí do dẹp chợ tự phát, giữ gìn văn minh đô thị, các hộ mua bán ở đây nhiều lần bị các lực lượng chức năng của phường xuống thu giữ tài sản, lập biên bản xử lí, cấm mua bán.
Để tránh bị cấm đoán và hợp pháp việc mua bán để mưu sinh, các hộ dân ở đây cùng lên Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố xin giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân. Thế là hàng loạt các công ty bán cá, bán thịt, bán rau củ quả ở đây ra đời, mà nhân viên, giám đốc cũng chỉ là một.
(Theo Zing)