Bức tranh nông thôn ngày càng giàu đẹp
Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai về chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), sau 10 năm thực hiện, tính đến tháng 9 năm 2019, tỉnh Lào Cai đã có 48/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến kết thúc năm nay 2019 đạt 51 xã (vượt kế hoạch đề ra). Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 13,5 tiêu chí. Không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Trong 10 năm qua, kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay 100% số xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã, 93% số thôn, bản có đường giao thông liên thôn; hệ thống thủy lợi đã đảm bảo nước tưới cho trên 92% diện tích; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với 95,2% số hộ ở nông thôn được dùng điện lưới; trên 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ bản xóa nhà tạm cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn;
Mỗi năm có trên 11.724 lao động vùng nông thôn được đào tạo nghề; tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 7%/năm; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010; nhận thức của nhân dân, tinh thần tự giác vươn lên thoát nghèo được nâng lên rõ nét, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay.
Vùng quê nông thôn có nhiều đổi thay nhờ chương trình xây dựng NTM (ảnh: LAD) |
Ví như, Văn Bàn là huyện miền núi của tỉnh Lào Cai – nơi địa hình đồi núi phức tạp, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, chịu nhiều tác động của thời tiết, khí hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao… Toàn huyện có 19/22 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm xây dựng NTM của các xã rất thấp.
Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, tính đến tháng 8 năm 2019, huyện Văn Bàn có 8/22 xã đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 12,73 tiêu chí, toàn huyện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Ông Lê Quang Đồng – Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn cho biết, sau nhiều năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện, diện mạo nông thôn đã thay đổi một cách rõ rệt, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 4,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/người/năm.
Điểm sáng trong tái cơ cấu nông nghiệp
Đi kèm với sự đổi thay của những ở những vùng nông thôn Lào Cai, trong quá trình xây dựng NTM, nhiều huyện đã trở thành điểm sáng trong tái cơ cấu nông nghiệp, cho thấy rõ được hiệu quả trong cách làm.
Đơn cử như Bảo Yên – một trong những huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, song nay lại một điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, thay cho sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, huyện đã ban hành các Nghị quyết và Quy định về cơ chế đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, đồng thời xác định rõ nét 5 loại cây trồng (quế, chè, hồng không hạt, sả, dâu tằm) và 3 loại con (trâu, gà đồi, vịt bầu) để tập trung chỉ đạo.
Kết quả, huyện Bảo Yên đến nay đã có những vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp quy mô lớn như: trồng được trên 17.000ha quế, 500ha chè chất lượng cao, 90/300 ha quy hoạch hồng không hạt, 130/500ha sả quy hoạch lấy tinh dầu, 169/300 ha quy hoạch dâu tằm...
Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp như mô hình trồng khoai tây Marabel, chanh leo... tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh.
Ông Dương Đức Huy - Bí thư huyện ủy Bảo Yên cho biết, các sản phẩm đều có nhà máy chế biến và có hợp đồng tiêu thụ hoặc thị trường rất ổn định. Một số sản phẩm nông nghiệp của Bảo Yên đã xây dựng được nhãn hiện tập thể, thương hiệu như: mật ong, trâu sấy, khoai môn.
Với những thành tựu trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện khoảng 30,7 triệu đồng/người/năm, tăng 11,18 triệu đồng so với thời điểm bắt đầu thực hiện (12/2010). Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân sẽ đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt hơn 70 triệu đồng.
Tương tự, huyện Bát Xát cũng là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Bát Xát chủ động liên kết với các doanh nghiệp trồng 191ha hoa, quả, rau và rau ôn đới trái vụ ứng dụng công nghệ cao và một phần công nghệ cao tại một số mô hình cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa lưới tại Quang Kim, Bản Qua, Cốc San cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau trái vụ tại Trịnh Tường, Y Tý cho thu nhập trên 140 triệu đồng/ha; mô hình trồng một số cây như măng tây, dưa lê, bí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Hay như mô hình trồng lê Tai Nung, cây chè… cũng đang cho thu nhập rất cao.
Bài: Trần Hồng Kiên - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc - nhóm PV