Nhằm nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, một loạt các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo Vietcombank, VietinBank và BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Riêng với Vietcombank, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. 

Đối với Agribank, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.

Trong nhóm Big4, BIDV hiện có vốn điều lệ 50.585 tỷ đồng, là ngân hàng có vốn lớn nhất. Trong đó phần vốn nhà nước là 40.967 tỷ đồng (chiếm 80,99% vốn điều lệ). Ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng trong năm 2023 theo hai đợt phát hành. 

Đứng thứ hai là VietinBank có vốn điều lệ hiện tại 48.057 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 64,46%. Đại hội cổ đông VietinBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 60.387 tỷ đồng. 

Vietcombank hiện có vốn điều lệ 47.325 tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước nắm giữ 74,8% vốn điều lệ. Ngân hàng vừa được NHNN thông qua phương án tăng vốn điều lệ với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.

Đối với Agribank, vốn điều lệ của ngân hàng đang là 34.446 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ được bổ sung thêm 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Danh sách 21 ngân hàng TMCP được tăng vốn điều lệ gồm: VPBank, HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LienVietPostBank, BacA Bank, VietA Bank, NamA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, NCB, và KienLongBank.

VPBank tiếp tục là ngân hàng đứng đầu hệ thống về quy mô vốn điều lệ. (ảnh: VPB).

Đại hội cổ đông năm 2023 vừa qua, các ngân hàng đều đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay với những phương án khác nhau. Riêng MSB đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu thưởng cho người lao động.

Như vậy, tổng cộng 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Tổng vốn điều lệ hiện hơn 590.000 tỷ đồng. Sau khi tăng, tổng vốn điều lệ mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.

Hiện, VPBank là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống (hơn 67.000 tỷ đồng). Ngay cả khi các ngân hàng cùng tăng vốn điều lệ, VPBank cũng sẽ vẫn dẫn đầu với vốn điều lệ mới là hơn 79.000 tỷ đồng, bằng tổng vốn điều lệ của 9 ngân hàng cộng lại gồm: Eximbank, NCB, NamA Bank, ABBank, BacA Bank, VietBank, VietA Bank, VietCapital Bank, và KienLong Bank.

VỐN ĐIỀU LỆ HIỆN TẠI VÀ DỰ KIẾN CỦA 25 NHTM CHUẨN BỊ TĂNG VỐN (đvt: tỷ đồng)
STT NGÂN HÀNG VĐL HIỆN TẠI VĐL DỰ KIẾN
1 VPBANK 67.434 79.339
2 VIETCOMBANK 47.325 74.325
3 BIDV 50.585 61.557
4 VIETINBANK 48.057 60.387
5 MB 45.339 53.683
6 AGRIBANK 34.446 51.546
7 ACB 33.774 38.840
8 SHB 30.674 36.194
9 TECHCOMBANK 35.172 35.225
10 HDBANK 25.303 29.276
11 LPBANK 17.291 28.676
12 SEABANK 20.403 25.900
13 VIB 21.076 25.368
14 TPBANK 15.818 22.016
15 OCB 13.700 20.550
16 MSB 19.857 20.000
17 EXIMBANK 14.814 17.469
18 NCB 5.600 11.800
19 NAMA BANK 8.464 10.500
20 ABBANK 9.400 10.400
21 BACA BANK 8.134 9.900
22 VIETBANK 4.777 5.780
23 VIETA BANK 5.400 5.400
24 VIETCAPITAL BANK 3.671 5.139
25 KIENLONG BANK 3.653 4.376
TỔNG 590.167 743.646
Ngoài 25 NHTM nói trên, NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 6 công ty tài chính gồm: Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), Công ty tài chính Lotte (Lotte Finance), Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance), Công ty tài chính TNHH HD Saison, Công ty tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease, và Công ty TNHH MB Shinsei.