- Sau 3 lần mang thai thất bại, lần thứ 4 vợ chồng bà mới có được mụn con duy nhất. Oái oăm thay càng lớn cô con gái càng có biểu hiện bất thường, không biết nói, biết cười, suy nghĩ ngây ngô như đứa trẻ dại. Đến bệnh viện họ mới biết, con gái đã bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam - dioxin.

Rơi nước mắt chuyện mẹ có 2 con nhiễm chất độc da cam

“Cứ bực lên là con cầm lấy tay tôi mà bẻ đến gãy xương, trật khớp. Bẻ xong tôi chữa khỏi nó lại tấn công tiếp. Vợ chồng tôi phải nhốt con lại trong buồng, cổng khóa 24/24 để ngăn con bỏ trốn"

Chúng tôi ghé nhà bà Nghiêm Thị Khoa (thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) vào một buổi trưa. Giữa mùa thu trời vẫn còn nắng gắt. Căn nhà cũ kỹ lợp mái tôn nằm im lìm dưới cái nắng oi ả. Những mảng vôi vữa nhiều chỗ đã bong ra, loang lổ vì năm tháng. Bước qua cái cổng xiêu vẹo là sân nền đã xanh xám màu rêu.

Hai mẹ con bà Khoa đang ăn cơm. Nhìn mâm với những bát, đĩa sứt mẻ không ai nghĩ đó là một bữa trưa dành cho hai người (người già và người tàn tật, sức khỏe yếu) bởi chỉ có một chút cơm, một quả trứng luộc và bát nước mắm.

Người mẹ già dáng người gầy gò, mái tóc bạc càng tôn thêm vẻ khốn khó đang bón cơm cho chị Lê Thị Loan (24 tuổi), người con gái duy nhất của bà. Cô gái thỉnh thoảng lại hét lên những câu vô nghĩa hay đôi lúc muốn nói gì lại gầm gừ trong cổ họng, khiến những người khách mới đến không khỏi giật mình.

Bà nói, quả trứng luộc là phần bồi dưỡng thêm cho con gái, thỉnh thoảng mới có chứ không phải lúc nào cũng được bồi bổ thường xuyên. Ngày nào bà làm kiếm được ít tiền thì bữa cơm có thêm chút cá, thịt. Hôm nào bà mệt không đi làm nổi thì hai mẹ con cắm nồi cơm ăn cùng chén nước mắm con con.

{keywords}

Sau 4 lần mang thai với bao nhiêu khát khao và hy vọng. Bà chỉ giữ lại được một người con duy nhất là chị Loan - năm nay 24 tuổi. 

Bà kể, chồng bà thời trẻ tham gia bộ đội chống Mỹ. Sau khi ông rời quân ngũ thì họ lập gia đình, với nhiều mơ ước cho tương lai. Nhưng ông không ngờ rằng, trong những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường, ông đã mang trong mình chất độc da cam.

Khi bà mang thai người con đầu tiên, hai vợ chồng vẫn rất hạnh phúc. Ông chăm chỉ làm hơn để chuẩn bị cho ngày vợ vượt cạn. Họ còn nghĩ, họ sẽ sinh thật nhiều con để con cháu lớn lên quây quần trong căn nhà ấm cúng, nhưng rồi mọi chuyện không như mong mỏi.

Người con đầu tiên không ở lại với bà. Họ đau đớn nhưng động viên nhau vượt qua.

Lần mang thai thứ 2 cũng không thành. Họ vừa bàng hoàng, đau xót vừa bắt đầu thấy có những nghi ngờ.

Lần mang thai thứ 3 đứa con cũng không ở lại với họ. Hai vợ chồng khóc cạn nước mắt và bắt đầu tuyệt vọng.

Lần mang thai thứ 4, hai vợ chồng vừa hi vọng vừa hồi hộp chờ đợi. Đứa con cuối cùng cũng ra đời trong thấp thỏm. Đấy là một ca đẻ khó, phải cấp cứu ở bệnh viện Nhi Trung ương. Bé gái chỉ nặng 900 gram, sức khỏe yếu và tiên lượng xấu.

Bà kể: "Còn nước còn tát, sau 4 lần sinh nở tôi mới có cháu nên cả nhà dốc sức để giữ. Năm đó tôi và con nằm viện thì chồng tôi ở nhà tất tả bán hết thóc, vay mượn họ hàng gom được gần 300 nghìn để thanh toán viện phí".

{keywords}

Bà nói, những ngày tháng đó không kể hết những khó khăn, vất vả mà họ đã trải qua. Cuối cùng số phận mỉm cười với họ khi cháu bé phát triển dần ổn định. Bé được xuất hiện trong sự vui mừng khôn xiết của bố mẹ, họ hàng.

Nhưng một lần nữa số phận lại trêu đùa họ khi con gái đã lên 2 tuổi vẫn không biết nói. Những năm sau đó, họ nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ cô con gái duy nhất. Cuối cùng, sau nhiều lần thăm khám ở bệnh viện, họ phải chấp nhận với sự thật con gái họ bị di chứng của chất độc da cam từ người cha.

Dù vậy, 2 vợ chồng vẫn cố gắng chấp nhận số phận, nuôi con. Bà nói tiếp: "Sức khỏe ông yếu dần. Năm 2004 ông mất, từ đó gia đình tôi mất đi chỗ dựa vững chắc. Hai mẹ con đành nương tựa vào nhau sống qua ngày".

Hằng ngày bà khóa cửa để cô con gái trong nhà rồi đi làm ruộng, cố kiếm ít thóc, ít hoa màu để hai mẹ con ăn dần. Nếu không vào mùa, bà đi làm thuê kiếm vài chục nghìn để chi tiêu sinh hoạt trong nhà.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Dự, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Phú Xuyên đã không cầm được nước mắt khi tới thăm gia đình bà Khoa

Bà nói: "Những lúc mất mùa hay những ngày không có ai thuê, hai mẹ con tôi không có cái gì ăn. Vì vậy tuổi già ngày yếu nhiều hơn ngày khỏe tôi vẫn phải cố gắng đi làm". Nói rồi, bà chỉ ra ngoài sân, nơi chiếc mẹt đựng những hạt lạc đang phơi giữa nắng trưa và nói: "Tôi vừa mua 20 nghìn lạc tươi để những lúc hết tiền, nhà không còn gì ăn thì rim lên hai mẹ con ăn dần".

Căn nhà nhỏ của họ có những chậu cây cảnh nhỏ xinh nhưng đã sứt mẻ, bà kể rằng đó là những kỷ vật mà ông để lại nên bà cố gắng giữ gìn như ngày ông còn sống. Nhà xây từ năm 1979 nay đã nhiều chỗ hư hỏng. "Cái bếp cũ lắm rồi tôi chả biết ngày nào nó sập. Mỗi mùa mưa đến là nước dột tong tong. Hai mẹ con già yếu nên chẳng thể sửa được. Giá như ông nhà tôi còn sống...".

Điều bà lo lắng và áy náy nhất là để cô con gái ở nhà một mình. Bà nói, những hôm đi làm quá giờ lòng bà lo lắng như lửa đốt khi con ở nhà không ai cho ăn, cho uống. Khi mẹ về, nhìn thấy mẹ con gái reo lên, mắt như vừa giận vừa mong. Những tiếng kêu không rõ nghĩa phát ra một cách khó nhọc của con gái khiến bà thương đến chảy nước mắt.

{keywords}
Ngôi nhà nhỏ bé và căn bếp cũ kỹ của hai mẹ con bà Khoa khiến những người ghé thăm phải thấy xót lòng. 

Trong nhà, mùi khai của nước đái, mùi quần áo cũ bốc lên người mẹ vội giải thích: "Nhà chỉ có một mẹ một con chăm nhau nên chẳng mấy khi mà dọn dẹp được. Những ngày tôi đi làm, đóng bỉm cho con nhưng ngày nắng nóng đành phải bỏ ra. Khổ nhất là đến những ngày con gái đến chu kỳ. Mọi việc thay rửa con đều không nhận thức được mình phải làm thay. Có những đợt việc đóng bỉm nhiều khiến cháu bị hăm, khó chịu cứ khóc suốt".

Nói rồi, bà nhìn ra khoảng sân đã loang lổ vì những vết nứt hỏng, phủ rêu xanh: "Bao năm nay việc từ việc ăn uống, vệ sinh, tắm rửa đến chải mái tóc, lau cái mặt con đều nhờ vào tay mẹ. Nay mẹ đã già, mất mẹ con biết có ai chăm?".

Ông Nguyễn Xuân Dự, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Phú Xuyên, cho biết: "Gia đình bà Khoa là một trong những trường hợp khó khăn nhất của các nạn nhân ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở huyện Phú Xuyên. Chồng mất, bà Khoa sức khỏe yếu nhưng vẫn phải một tay lo lắng cho con gái đến tuổi trưởng thành nhưng không khác gì đứa trẻ. Mỗi lần qua thăm gia đình họ tôi đều không khỏi chạnh lòng...".

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp: Gia đình bà Nghiêm Thị Khoa (thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội). SĐT 09689 055 462

2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ gia đình bà Nghiêm Thị Khoa ở Phú Xuyên, Hà Nội.

Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET

Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

- The currency of bank account: 0011002643148

- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM

- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam

- SWIFT code: BFTVVNV X

- Qua TK ngân hàng Viettinbank:

Chuyển khoản: Báo VietNamnet

Số tài khoản: 102010002381523

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa

- Chuyển tiền từ nước ngoài:

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch

- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội

- Swift code: ICBVVNVX126

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:

- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11, Q10, TP.HCM. ĐT: 08 3818 1436

Xin cảm ơn quý độc giả!

N.Trang - Vũ Lụa