Phong tục của người Việt thường kiêng kỵ một số điều để cả năm gặp được may
mắn.
Theo TS. Trần Phương, giảng viên khoa Văn hóa và phát triển, HV Báo chí & Tuyên
truyền, dịp đầu năm, tùy từng vùng miền mà người dân có những tục lệ kiêng kỵ
khác nhau. Tục kiêng kỵ được chi phối bởi nhiều quan niệm, hệ thống tín ngưỡng
chồng chéo lên nhau.
Một số tục kiêng mang ý nghĩa tốt đẹp, cần duy trì thường xuyên không riêng dịp
Tết đó là kiêng nói tục, cãi vã, nhắc nhở con người ứng xử hòa nhã với nhau.
Ảnh minh họa |
“Thực tế, việc phạm phải điều kiêng kỵ đầu năm mới sẽ bị xui xẻo suốt năm chưa
ai kiểm chứng được. Mỗi người trải qua hàng tỷ hành động, sự việc trong năm.
Chẳng ai đủ kiên nhẫn, tập trung để liên hệ cái phạm phải ảnh hưởng gì đến cuộc
sống của họ. Vì vậy, nếu lỡ phạm vào điều gì thì ta nên quên nó đi để vững tâm
lý, tập trung vào mục tiêu sống của mình”, TS Phương giải thích.
Sau đây là 7 điều người Việt thường kỵ trong những ngày đầu năm mới:
1. Kiêng đánh thức người khác sáng mùng 1
Nếu đi chúc Tết sáng mùng 1, gặp người đang ngủ, khách không nên đánh thức họ
dậy mà người đó tỉnh tảo mới được chúc. Nhiều người cho rằng làm như vậy sẽ
khiến người ta bị “trù ẻo” cả năm phải nằm trên giường.
Người nhà cũng không giục nhau dậy vào mùng 1 vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu
sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm.
2. Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết
Tục kiêng này bắt nguồn từ một tích của Trung Quốc kể rằng một người lái buôn
tên Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như
Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì lái buôn ăn nên làm ra, giàu có.
Ngày mùng 1 Tết, người hầu làm việc không vừa ý khiến Âu Minh chửi mắng, đánh cô
ta. Cô người hầu Minh Nguyệt hoảng sợ chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh
quét nhà, vô tình hốt cả đống rác đó đổ đi. Từ đó, gia đình Âu Minh trở nên
khánh kiệt.
Người ta cho rằng Minh Nguyệt chính là Thần Tài và lập bàn thờ ở góc nhà. Vì
vậy, nhiều người tin rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ
ra khỏi nhà, tiền bạc cũng trôi theo.
Ở Nam bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có
nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.
3. Kiêng vay mượn, trả nợ
Người Việt quan niệm ngày đầu năm, gia đình mở cửa để rước tài lộc vào nhà. Việc
mượn, trả giống như dâng tài lộc vào tay người khác.
Thường chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu, cấp bách người ta mới vay mượn tiền bạc
của nhau. Việc vay, mượn tiền bạc trong ngày đầu năm mới có thể làm người ta rơi
vào cảnh túng thiếu suốt năm.
4. Kiêng nói tục, cãi vã
Đầu năm, mọi thứ đều thanh sạch, mới mẻ, nói tục, chửi thề sẽ khiến người khác
khó chịu.
Cãi vã tạo ra sự ồn ào, hỗn loại đem lại nỗi buồn cho người xung quanh. Trong
ngày Tết, người ta thường quan tâm đến nhau, ứng xử vui vẻ, hòa nhã với người
thân, hàng xóm, láng giềng. Ai cũng tránh to tiếng, xô xát vì sợ cả năm xui xẻo.
5. Kiêng làm vỡ đồ vật
Nhiều người kiêng đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương vì cho
rằng nó báo hiệu sự chia lìa đổ vỡ.
Tuy nhiên, nếu có người chót đánh vỡ đồ thì cũng nên coi đó là chuyện thường,
không nên nghĩ nặng nề quá.
Ảnh minh họa |
6. Kiêng cho lửa/nước
Người ta thường quan niệm lửa tượng trưng cho màu đỏ, màu của sự may mắn, ấm áp
nên rất kỵ cho người khác xin lửa đầu năm mới.
Còn nước được ví như tài lộc, trước Tết người ta luôn tích trữ nước đầy đủ, dùng
nước tiết kiệm để hạn chế thất thoát của cải.
Thời xưa, người gánh nước thuê đến nhà thường được gia chủ mừng tuổi, coi như
mua thêm may mắn.
7. Kỵ mai táng
Ngày mùng 1 là ngày vui của mọi người nên nhà nào có tang sẽ cất khăn tang trong
3 ngày. Nếu người nhà mất vào ngày mùng 1, gia chủ sẽ không phát khăn tang mà để
đến sáng mùng 2.
Những gia đình có tang đều tránh đi chúc Tết, thăm hỏi gia đình người khác.
Theo Dân Việt