- Một dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông trị giá 80 triệu USD vừa được khởi động chiều 17/1.
Trong số này, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.
Dự án được phê duyệt từ năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020.
Học sinh Việt Nam sắp học chương trình mới. Ảnh: Thanh Hùng |
Ông Đoàn Văn Ninh, Giám đốc dự án cho biết, kết quả đầu ra chính của dự án gồm 7 nội dung: Chương trình giáo dục phổ thông mới; Tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân; Bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn được phê duyệt cho phép sử dụng; Học sinh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới; sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số); Hệ thống bồi dưỡng giáo viên qua mạng; Hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia.
Dự án bao gồm 4 thành phần, trong đó thành phần “Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới” chiếm 25% kinh phí. Thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông” chiếm gần 50% kinh phí.
Hai thành phần còn lại là “Hỗ trợ phát triển chương trình” và cuối cùng là “Quản lý dự án”.
Gần 50% kinh phí dự án (thuộc thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông”) dành cho các “đầu việc”: Xây dựng trung tâm quốc gia phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và trung tâm quốc gia khảo thí ngôn ngữ; Tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh; Triển khai đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh.
Trong số 25% kinh phí của thành phần 2, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ GD-ĐT thực hiện) gồm các đầu việc: Xây dựng bản thảo và lấy ý kiến đối với bản thảo một bộ sách giáo khoa; Thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng đối với một bộ sách giáo khoa; Biên soạn sách giáo khoa song ngữ cấp tiểu học (tiếng Việt – tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) và Biên soạn, thử nghiệm sách giáo khoa điện tử. Bên cạnh đó, dự án sẽ thẩm định các sách giáo khoa (bao gồm sách của Bộ GD-ĐT và sách giáo khoa khác do cá nhân, tổ chức biên soạn.
Ngoài ra, dự án cũng dự kiến cung cấp 50.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn.
Dự án này do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng ban chỉ đạo, với các bộ phận giúp việc gồm: Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc tế, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Giám đốc kỹ thuật (được gọi là Tổng chủ biên của chương trình giáo dục phổ thông mới).
Phát biểu tại hội nghị, GS Nguyễn Minh Thuyết, Giám đốc kỹ thuật của dự án cho biết, quan điểm phát triển chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo triết lý Thực học – thực nghiệp (cụ thể là học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, Phân luồng và hướng nghiệp) và triết lý Dân chủ (cụ thể là lấy người học làm trung tâm, tích cực hoá hoạt động học tập, kết hợp giáo dục nhà trường với xã hội, chương trình mở...).
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng giới thiệu chi tiết về “chân dung của người công dân mới” (xem chi tiết TẠI ĐÂY).
- Hạ Anh