Chỉ số hài lòng của người dân trong tỉnh đạt 89,81%
An Giang xem cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, do vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt, từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của An Giang có chuyển biến tích cực và được thực hiện đạt kết quả tốt |
Nêu cao tinh thần đổi mới, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước. Cũng như làm tốt việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, những năm qua các cơ quan hành chính của An Giang đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức về giải quyết công việc theo hướng phục vụ nhân dân, đánh giá thực thi công vụ theo hướng dựa trên phản hồi của người dân, để xây dựng một nền hành chính phục vụ.
Thực hiện hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng với mong muốn xây dựng chính quyền điện tử kiến tạo, phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, những năm qua tỉnh An Giang đã quyết liệt triển khai và đạt được nhiều thành tựu trong việc xây dựng chính quyền điện tử gắn với hiện đại hoá nền hành chính nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin.
Điều đó thể hiện rõ qua việc xếp hạng chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân với các cơ quan công trong tỉnh An Giang đều tăng hàng năm.
Sở Nội vụ tỉnh An Giang cho biết, năm 2019, kết quả chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của tỉnh theo công bố của Bộ Nội vụ tăng so năm 2018.
Cụ thể, chỉ số cải cách hành chính An Giang đạt 83,32% (tăng 2,55% so năm 2018), xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố cả nước thuộc nhóm B, xếp hạng 3/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Chỉ số hài lòng của người dân tỉnh An Giang đạt 89,81% (tăng 0,19% so năm 2018), xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 2 hạng so năm 2018).
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh An Giang đạt 44,37 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 4 bậc so năm 2018), trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao, xếp hạng 5/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Hướng tới mô hình chính quyền thông minh
Từ năm ngoái, UBND tỉnh An Giang đã thành lập và đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cũng như tăng tính công khai minh bạch trong công tác giải quyết thủ tịch hành chính và thu hút đầu tư.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là đồng nghĩa với việc bảo đảm thực hiện hiệu quả CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tiếp xúc với chính quyền.
Các sở, ban, ngành của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phục vụ hành chính công để tiếp nhận, xử lý, giải quyết những hồ sơ, thủ tục hành chính với tinh thần đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, khi Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang đi vào hoạt động đã cụ thể hoá các hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến mục tiêu tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang đã tiếp nhận 34.677 hồ sơ thủ tục hành chính, qua cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đặc biệt, có đến 31.548 hồ sơ được trả kết quả trước và đúng hạn, chiếm tỷ lệ 99,8%.
Để ứng dụng CNTT vào phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử phù hợp với khung kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh, Sở TT&TT tỉnh An Giang đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 618 ngày 22/3/2019 về việc phê duyệt khung đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019- 2025, định hướng đến năm 2030.
Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cấp tỉnh được xây dựng tập trung tại tỉnh và đảm bảo kết nối liên thông tới 100% sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn. Hệ thống hỗ trợ người dân và DN trong việc tra cứu tình trạng hồ sơ khi thực hiện trực tuyến hoặc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp tại địa chỉ: https://dichvucong.angiang.gov.vn.
Hệ thống kết nối liên thông với các phần mềm chuyên ngành riêng của các sở, ngành với bộ, ngành Trung ương thông qua trục kết nối liên thông quốc gia.
Tỉnh triển khai hiệu quả dịch vụ hành chính công 4.0 qua phối hợp Công ty Cổ phần VNG (Zalo) thực hiện: tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ; gửi tin nhắn thông tin trạng thái xử lý hồ sơ; tuyên truyền, cung cấp thông tin, thông báo về hành chính công, an sinh xã hội, các quy định, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Đã triển khai hơn 30 phần mềm ứng dụng tại các sở, ban, ngành và địa phương. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh An Giang tiếp nhận, giải quyết 1.401 thủ tục với 129 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành và Bảo hiểm xã hội, số thủ tục không thực hiện tiếp nhận tại trung tâm là 116 thủ tục.
Từ đó những kết quả nói trên, cho thấy, qua từng năm An Giang đã từng bước chuyển tích cực trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền thông minh.
Để nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh UBND tỉnh An Giang đề nghị các sở, ngành có liên quan tăng cường nghiên cứu, đề ra các giải pháp cải thiện 5 chỉ số nội dung được công bố trong Chỉ số PAPI năm 2019 bị mất điểm với năm 2018. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn An Giang tập trung nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, khóm, ấp. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát, triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang. Trong đó, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nâng cao kết quả của 8 trục nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần của Chỉ số PAPI. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần lắng nghe, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc và trả lời thỏa đáng những kiến nghị của người dân; thực hiện tốt công việc này phải đi từ cơ sở. Đối với chỉ số nội dung về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đôn đốc, đánh giá công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt trong khu vực công. Ông Nguyễn Thanh Bình cũng lưu ý các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với cơ quan nhà nước. Trong đó, tập trung cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ hành chính công mang tính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước. |
Thiện Chí