Bày mâm ngũ quả là phong tục đẹp ngày Tết của người Việt khắp 3 miền, trong đó người dân Nam Bộ với điều kiện cây trái miệt vườn quanh năm có cách bày "cầu vừa đủ xài" khá thú vị, sáng tạo và độc đáo bày tỏ mong ước cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc, an bình.
Theo đó người dân Nam Bộ thường bày mâm ngũ quả ngày Tết có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung, theo cách phát âm trong Nam đọc "cầu dừa đủ xoài" thành... "cầu vừa đủ xài", hoặc thành "cầu vừa đủ xài sung" hay "cầu sung vừa đủ xài".
Nếu tìm hiểu kỹ hơn thì chúng ta sẽ thấy đôi khi mâm ngũ quả miền Nam còn có thêm trái dứa vì người Nam Bộ gọi dứa là thơm.
Trái lại Nam Bộ cũng thường kiêng một số loại trái không bày trên mâm cúng do tên gọi của chúng, ví dụ như chuối đọc gần giống "chúi" làm ăn không lên được; táo đọc là "bom" khiến đổ bể, làm ăn thất bại; hoặc lê dễ hiểu thành... lê lết, cam hiểu thành cam chịu.
Người Nam Bộ cũng không bày sầu riêng cho mâm ngũ quả, dù rất thích ăn sầu riêng...
Nhìn chung cách bày mâm ngũ quả theo tên gọi cho thấy sự chất phác và có chút vui tính, đáng yêu của người dân Nam Bộ. Đây cũng là chủ đề Tết trên mạng khi phát sinh ra khá nhiều kiểu ảnh vui chế lại từ mâm "cầu vừa đủ xài".