Năm 2024, Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Trường Sơn, xã Cam Thành được huyện Cam Lộ hỗ trợ kinh phí để thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc Facefarm - dữ liệu truy xuất vùng nguyên liệu liên kết.
Đây là phần mềm nhật ký sản xuất dựa trên nền tảng Google Map giúp dễ dàng đánh giá nông trại một cách trực quan, chính xác.
Facefarm giúp theo dõi nông trại mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng, ghi lại nhật ký sản xuất bằng các thiết bị như smartphone, máy tính bảng, máy tính... ghi nhận lượng thông tin lớn rất tiện lợi, dữ liệu được lưu trữ an toàn, bảo mật trên đám mây.
Bên cạnh đó, Facefarm còn giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.
Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ thông tin, HTX hiện đang liên kết với hơn 50 hộ nông dân trồng cây tràm năm gân và một số loại cây dược liệu khác với tổng diện tích khoảng 16 ha.
Thông qua nhật ký sản xuất Facefarm, toàn bộ quá trình sản xuất đều được lưu lại giúp HTX kiểm soát được quá trình canh tác.
Từ đó chủ động kế hoạch, đảm bảo quy trình sản xuất trong một chu kỳ, quản lý được số lượng vật tư cũng như sản lượng thu hoạch.
Đặc biệt, khi tạo một kế hoạch hay nhật ký sản xuất thì Facefarm còn cập nhật chính xác về liều lượng, cách sử dụng... các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng dựa trên dữ liệu của Cục Bảo vệ thực vật.
Theo anh Huệ, nếu như trước đây khi quét mã QR để truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ nhận được một số thông tin đơn giản về đơn vị sản xuất, quá trình sản xuất thì với nhật ký sản xuất Facefarm, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khi bắt đầu trồng đến khi ra thị trường, biết được cả vị trí của vườn qua bản đồ chỉ dẫn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc thông tin, trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức trên 100 lớp tập huấn có nội dung hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc với gần 5.000 lượt người dân tham gia.
Hỗ trợ 9 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tại các xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thực hiện ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực với số lượng 16.000 tem QR code; hỗ trợ 3 cơ sở thiết lập hồ sơ thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương tại các xã xây dựng nông thôn mới.
Trong lĩnh vực chế biến, đến nay đã có 70/279 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong đó hầu hết các chủ thể sản phẩm OCOP đều áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp đã kiểm tra truy xuất nguồn gốc được gần 1,4 triệu tấn gỗ các loại có nguồn gốc từ rừng trồng. Trong lĩnh vực thủy sản, đã xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác qua các cảng cá hơn 9.500 tấn, đạt tỉ lệ gần 35%.
Đặc biệt, để sản phẩm nông nghiệp của Quảng Trị tham gia xuất khẩu, trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh tổ chức cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 1 mã số cơ sở đóng gói, 37 mã số vùng trồng tại các địa phương với quy mô gần 2.880 ha.
Trong đó có 11 MSVT phục vụ xuất khẩu và 26 MSVT nội địa. Hiện tại đang có 3 MSVT trên cây chanh leo và 1 MSVT cơ sở đóng gói đang được đàm phán với nước nhập khẩu để hoàn thành các bước chờ cấp mã số.
Tuy nhiên ông Quốc cũng thừa nhận, rào cản lớn nhất trong áp dụng truy xuất nguồn gốc là phải có nhân sự thường xuyên để triển khai thực hiện cập nhập dữ liệu.
Tuy nhiên ở các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có nhân sự chuyên môn để triển khai phần mềm, nông dân chưa quen với việc nhập liệu trên máy tính và điện thoại thông minh nên khó ứng dụng vào thực tế hoạt động sản xuất.
Ngoài ra còn phải kể đến như: số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn còn khá ít, chủ yếu là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Quy mô sản xuất chưa mang tính hàng hóa cao, giá cả nông sản bấp bênh, thiên tai dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Ông Quốc cho biết, hướng tới mục tiêu 100% thực phẩm sản xuất, tiêu thụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được ban hành.
Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cho các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về nội dung, cách thức cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc đảm bảo đúng quy định, hỗ trợ ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ FSC yên tâm sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến gỗ có đủ nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.
Theo LÊ AN (Báo Quảng Trị)