Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, tại 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ sẽ tắt sóng truyền hình analog vào ngày 30/12/2016 tới đây đã được phủ sóng truyền hình số DVB-T2, đủ khả năng thay thế truyền hình analog.

Hiện tại VTV đã triển khai mạng phát sóng truyền hình số DVB-T2 tại Hà Nội và Hải Phòng với 6 máy phát hình chính cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phủ sóng toàn bộ địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và một phần các tỉnh còn lại trong khu vực.

Công ty cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) triển khai 5 máy phát hình số, trong đó có 3 máy chính tại Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam và 2 trạm phát công suất nhỏ ở Hải Phòng, phủ sóng toàn bộ địa bàn Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương; phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và phủ sóng 1 phần còn lại ở các tỉnh trong khu vực.

Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thiết lập mạng đơn tần phủ sóng DVB-T2 khắp các tỉnh miền Bắc, có tỉnh phủ toàn bộ, có tỉnh chỉ phủ khu đông dân cư. AVG cũng có đủ giấy phép tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các tỉnh, thành phố. Đồng thời AVG đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho các Đài PT-TH địa phương.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, các kênh truyền hình thiết yếu của Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên được RTB phát sóng trên hệ thống số từ nhiều tháng nay với chất lượng ổn định đủ điều kiện để tắt sóng. Chỉ có kênh Hải Dương đang nhờ VTV phát sóng tại Hải Phòng nên hiện tại chưa phủ sóng hết địa bàn Hải Dương.

Bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị RTB chia sẻ, RTB đã hoàn thành thủ tục ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng với hai Đài PT-TH Hà Nội phát sóng hai kênh H1 và H2 chuẩn HD, Đài PT-TH Hải Phòng từ 1/12/2016 cũng sẽ phát sóng trên hệ thống của RTB theo chuẩn HD.

RTB đã phủ sóng toàn bộ 100% 5 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình vào ngày 30/12 tới đây. Tại Hải Dương RTB cũng tiến hành đo kiểm chất lượng sóng, cả vùng núi Chí Linh và huyện Kinh Môn  đã có sóng RTB. Theo bà Bích, Đài PT-TH Hải Dương sau khi hết hợp đồng thử nghiệm phát sóng với RTB từ 31/12/2016 do chưa có thỏa thuận phát sóng tiếp nên RTB hạ sóng kênh truyền hình Hải Dương. Tuy nhiên, sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ TT&TT, vào đêm 29/11 RTB đã lên sóng kênh Hải Dương trở lại.

Bà Bích cho hay, RTB đã phủ sóng kênh truyền hình thiết yếu của 5 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hà Nam theo chuẩn SD và băng thông 2Mb. Quy định băng thông cho mỗi kênh rất quan trọng vì ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, nếu nén xuống dung lượng thấp quá thì chất lượng kém và hay bị dừng hình vỡ hình. RTB cam kết trong hợp đồng với các đài sẽ cung cấp dịch vụ theo chuẩn SD là 2Mb, chuẩn HD là 5Mb.

RTB đang tiến hành làm việc với hai Đài PT-TH Quảng Ninh và Thái Nguyên để lắp thêm 2 máy phát vào trước 31/12/2016. Dự kiến đến cuối năm, RTB có 5 trạm phát chính và 3 trạm phụ phát sóng DVB-T2 mạng đơn tần ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

“RTB cam kết phục vụ chất lượng đúng tiêu chuẩn cam kết, RTB đã thực hiện đo kiểm vùng phủ sóng đảm bảo chất lượng tốt và  không có khó khăn về kỹ thuật. Đề nghị Cục Tần số Vô tuyến điện bố trí để các Trung tâm khu vực thực hiện đi đo kiểm tại các vùng sẽ tắt sóng 31/12 để xác định chất lượng hoặc vùng lõm”, bà Bích cho hay.

Liên quan đến vùng phủ sóng truyền hình DVB-T2, ông Nguyễn Công Dự, Phó Tổng giám đốc AVG cũng cho biết, AVG hiện phủ sóng truyền hình số DVB-T2 tương đối kín ở vùng Đồng bằng Sông Hồng. Tại 5 tỉnh nói trên độ phủ sóng của AVG đạt 95% diện tích, trong đó Bắc Ninh đạt 100%, riêng trung tâm thành phố Bắc Ninh đạt 95% vì vẫn còn một số vùng lõm không thu được. Tại Hải Dương đạt trên 90% diện tích phủ, tại các huyện khác đã phủ sóng 100% riêng huyện Chí Linh đạt 45% diện tích. Tỉnh Hưng Yên đạt 100% vùng phủ,   Vĩnh Phúc đạt 80% diện tích, tại Hà Nam 90% riêng huyện Kim Bảng mới 50%.

Hiện AVG hợp tác với các đài để phát sóng cho 5 kênh trên hệ thống của AVG, AVG sẵn sàng mời đại diện các đài cùng đi đo kiểm tra chất lượng sóng. AVG đã gửi khung giá đến các địa phương để mời cung cấp dịch vụ, trong đó có các gói dịch vụ: miền Bắc, miền Nam và toàn quốc, mỗi gói có mức giá riêng, riêng gói toàn quốc tích hợp gói kênh của cả hai miền.

Hiện tại đã có Vĩnh Phúc, Hưng Yên sẵn sàng thương thảo với các doanh nghiệp truyền dẫn để cung cấp dịch vụ phát sóng, còn 3 tỉnh còn lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục xin cấp ngân sách. Ông Đoàn Quang Hoan lưu ý với các địa phương, khi các tỉnh đã đủ điều kiện Ban chỉ đạo quyết định ngừng phát sóng analog, khi đó việc phát sóng truyền hình số là trách nhiệm của địa phương phải chủ động triển khai, khi có khó khăn báo cáo để Bộ TT&TT giúp tháo gỡ.

Tại 5 tỉnh Bắc bộ đã có 2 nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng là RTB và AVG đủ điều kiện, do đó các địa phương có quyền lựa chọn doanh nghiệp để truyền dẫn phát sóng kênh truyền hình thiết yếu của địa phương trước ngày 30/12/2016. Bộ TT&TT đang xây dựng và sẽ ban hành quy định về định mức truyền dẫn phát sóng để các địa phương có cơ sở để thương thảo hợp đồng. Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ truyền dẫn khá khó khăn, do chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được xây dựng nhưng Bộ TT&TT sẽ cố gắng làm để hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương.

Ông Hoan khẳng định, dịch vụ truyền dẫn là dịch vụ viễn thông và cung cấp theo cơ chế thị trường, do đó các địa phương phải nhanh chóng báo cáo UBND tỉnh để lên phương án đấu thầu hoặc chỉ định nhà cung cấp dịch vụ theo quy định của Luật Đầu tư ngân sách nhà nước và Luật Đấu thầu.