- Tại sao người Việt Nam có trí tuệ không thua kém các dân tộc khác nhưng khoa học Việt Nam lại không phát triển. Tại sao những người trẻ có tài không tham gia làm việc nhiều ở các cơ quan Nhà nước. Và, tại sao người trẻ đi học ở nước ngoài ít trở về nước?
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đặt ba câu hỏi với các nhà khoa học trẻ tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2.
Rào cản với nhà khoa học trẻ
Trước khi bắt đầu thảo luận, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đề nghị các nhà khoa học trẻ “hãy phát biểu bằng tinh thần thanh niên, thay vì đọc lại những tham luận đã chuẩn bị từ trước”.
Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo tới từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa ra khái niệm “ngoại giao khoa học”. “Ngoại giao khoa học ở Việt Nam đã được thực hiện đến đâu?”.
Các nhà khoa học trẻ cùng trao đổi với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ |
Từng có thời gian học tập ở Nhật Bản, tiến sĩ Tạo cho biết, nước này làm ngoại giao khoa học rất tốt. Nhật Bản thành lập một ủy ban liên kết các nước đang phát triển để chia sẻ, lưu thông nguồn lực, trí tuệ của các nhà khoa học để các ứng dụng thực tiễn có lợi hơn.
Tiến sĩ Tạo cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học luôn có khoảng cách, chính sách đưa ra thường đi sau khoa học. Sự chậm trễ của các chính sách cũng là nguyên nhân khiến những người đi học nước ngoài về khó cống hiến.
Tiến sĩ Bạch Long Giang – trưởng Phòng Khoa học Công nghệ (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đặt vấn đề tạo sân chơi cho các nhà khoa học trẻ.
Ngoài ra, tiến sĩ Giang cũng nêu các vấn đề từ lâu đã là rào cản với các nhà khoa học, như cơ chế quản lý tài chính. “Nhà khoa học phải học cả nghiệp vụ kế toán, thanh toán” vì hệ thống quản lý hành chính chưa được áp dụng công nghệ thông tin. “Trang thiết bị phòng thí nghiệm được đầu tư lớn nhưng khó tiếp cận, thậm chí tiếp cận các bài báo, tài liệu của nước ngoài còn dễ hơn, nhanh hơn trong nước”.
Quản lý tài chính sẽ theo cách mới
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Quân rất mạnh mẽ và kiên quyết trong việc thay đổi chính sách quản lý tài chính.
Ông cho rằng cách quản lý tài chính hiện tại khá “chặt” và không làm đồng tiền sinh sôi nảy nở, phát triển lên. “Theo cơ chế cũ thì đến cuối năm mọi thứ mới được quyết toán, có trường hợp nhà khoa học chỉ có 2 tháng để nghiên cứu khoa học. Chúng tôi cũng biết điều đó chứ không phải không biết” – ông chia sẻ với các nhà khoa học và cho biết sắp tới Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia sẽ tiến tới quản lý tài chính như các nước tiên tiến trong khu vực. “Đã là nhà khoa học thì phải ủng hộ cái mới, cái tốt hơn” – ông nói.
Vì sao người trẻ đi du học ít về?
Tiến sĩ Phạm Văn Phúc – Phó trưởng Phòng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) nêu ý kiến được số đông đồng tình.
Lý do tiến sĩ Phúc đưa ra để giải thích cho việc nhiều người trẻ đi du học nhưng không quay trở về, hoặc có quay về rồi lại ra đi - là bởi người đi học được đào tạo ở một đất nước là để phục vụ cho đất nước đó, chứ không phải là cho Việt Nam. Họ học những chuyên ngành cao siêu và tốn nhiều kinh phí cho việc nghiên cứu, không phù hợp với môi trường và nhu cầu của Việt Nam.
“Họ tạo ra những bánh xe chỉ để lắp vào cỗ máy của họ. Nếu chúng ta muốn dùng thì chúng ta phải gọt giũa bánh xe đó cho phù hợp với cỗ máy của ta” – tiến sĩ Phúc ví von. Vậy nên, anh đề xuất Việt Nam thiếu gì thì học đó.
Vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo hộ ở Việt Nam cũng được nhà khoa học trẻ này đặt ra. “Đăng ký rồi nhưng ai bảo hộ? Nếu có người xài thì làm sao phát hiện được?”.
“Việc đăng ký sở hữu trí tuệ là cần thiết nhưng việc bảo hộ cũng quan trọng không kém” – tiến sĩ Phúc đặt vấn đề.
Bài, ảnh: Nguyễn Thảo