Đến sáng 16/3, tổng số người nhiễm virus corona chủng mới bên ngoài Trung Quốc đã vượt quá 83.000, lần đầu tiên vượt qua số ca nhiễm tại đại lục kể từ khi dịch bùng phát. Đáng lo hơn, trong khi số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Trung Quốc được giữ ở mức hai chữ số trong nhiều ngày liền, thì ở nhiều nước tiếp tục bùng nổ và chưa thấy có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt là ở Mỹ, các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và Trung Đông.
Các bác sĩ vẫy chào một bệnh nhân chiến thắng Covid-19 tại bệnh viện Chữ Thập đỏ Vũ Hán hôm 16/3 |
Đến nay, hầu hết các nước bên cạnh Trung Quốc nơi đại dịch đã nằm trong tầm kiểm soát, bao gồm Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc – đều đã tuân thủ các nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly sớm và điều trị sớm, dựa trên kinh nghiệm và các bài học rút ra từ chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Những nguyên tắc này cũng là nội dung chính trong các khuyến nghị mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cho tất cả các quốc gia, sau khi các chuyên gia của tổ chức này hoàn thành chuyến công tác tìm hiểu tình hình thực tế tại Trung Quốc.
Mặc dù điều kiện và hệ thống quản lý ở mỗi quốc gia lại khác nhau, song các nước, đặc biệt là phương Tây, nên dành đủ những sự chú ý cần thiết đến các nguyên tắc trên, và không lãng phí thêm bất cứ chút thời gian nào nữa trong việc áp dụng chúng, vì những nguyên tắc này đã chứng tỏ được tác dụng của mình.
Tuy nhiên, theo China Daily, một số nước vẫn coi nhẹ các rủi ro, và các biện pháp mà họ thực hiện không chỉ không đủ để kiểm soát dịch trong nước, mà còn không đủ để tránh trở thành một nguồn lây lan virus sang các quốc gia khác.
Tình hình xấu đi nghiêm trọng ở các quốc gia này, so với những nơi mà virus đã được kiểm soát, đã cho thấy các biện pháp thích đáng dựa trên 3 nguyên tắc này có thể tạo ra sự thay đổi lớn như thế nào nếu chúng được thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Việc WHO lần đầu tiên thiết lập Quỹ Đoàn kết Đối phó dịch Covid-19 cùng với các đối tác để chung tay đẩy lùi virus hôm 13/3, đã cho thấy nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan là cần thiết đến thế nào. Các nước nên tận dụng triệt để tất cả các cơ chế song phương và đa phương để tăng cường liên lạc, hợp tác nhằm phối hợp các nỗ lực chống dịch chung một cách tốt hơn.
Các nước G20 có thể làm gương trong việc này, không chỉ áp dụng các biện pháp cứng rắn trong nước, mà còn tăng cường phối hợp và hợp tác để ngăn chặn virus lây lan giữa các nước.
Các quốc gia G20 phải đảm nhận trách nhiệm hợp tác cùng nhau và cùng WHO để dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế các rủi ro y tế toàn cầu, và qua đó bảo đảm an ninh y tế thế giới. Bằng cách đó, họ còn có thể xây dựng nền móng vững chắc cho một hệ thống ứng phó đại dịch toàn cầu trong tương lai.