Quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Bắc Ninh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh với cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.
Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh Bắc Ninh có 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 06 huyện (Tiên Du, Gia Bình, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành, Yên Phong) và thành phố Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I. Có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân. Tại các vùng nông thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điều kiện học tập, khám chữa bệnh… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị gia đình cho đến điều kiện nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm và giữ ở mức thấp…
Sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ cao. Kết quả lấy ý kiến người dân đối với việc công nhận xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt trên 90%. Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt.
Kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực cả về quy mô và trình độ sản xuất, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh. Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực cho các địa phương cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung…). Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình đảm bảo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó: Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao. Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương. Hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao hoàn thiện, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.
Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ gắn với mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị. Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và cấp mã vùng sản xuất. Tiếp tục phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhằm phát huy lợi thế tại mỗi địa phương...
Quỳnh Nga