Thượng Hải - thành phố mà Bí thư Đinh La Thăng đánh giá là hình mẫu để TP HCM học hỏi - từng xuống cấp, suy tàn nhưng rồi trỗi dậy mạnh mẽ, “hóa rồng” nhờ các quyết sách hiệu quả. 

Vào năm 1989, hơn 10 năm sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách kinh tế, thành phố Thượng Hải vẫn loay hoay đi tìm một con đường phát triển. Từng là trung tâm tài chính của châu Á - Thái Bình Dương vào thập niên 1930, nhưng Thượng Hải lúc đó chỉ còn là một đô thị cũ kỹ, xuống cấp và lạc hậu.

Khi đó, Thâm Quyến mới là đại diện của một “Trung Quốc mới”. Ngược lại, Thượng Hải oằn mình trong gánh nặng thuế (đóng góp tới 70% nguồn thu thuế của chính quyền trung ương), do đó không thể phát triển cơ sở hạ tầng và nền kinh tế địa phương.  

Một cựu lãnh đạo Trung Quốc từng viết: “Trước đây, Thượng Hải từng là một đô thị phát triển hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, vượt xa Hong Kong chứ đừng nói đến Singapore hay Đài Loan. Nhưng sau vài thập kỷ, Thượng Hải suy tàn, tụt hậu quá xa so với Hong Kong, Singapore và Đài Loan”.

Theo nhà báo, nhà nghiên cứu Daniel Brook, tác giả cuốn A history of future cities (Lịch sử của các thành phố tương lai), năm 1989 là thời điểm các quan chức Thượng Hải bắt đầu vận động cấp trên ở thủ đô Bắc Kinh, kêu gọi họ mở cửa thành phố từng là cửa ngõ và trung tâm tài chính của Trung Quốc.

{keywords}

Ý chí chính trị

Nhưng nhiều quan chức chính quyền trung ương Trung Quốc e ngại việc mở cửa Thượng Hải. Một số người cảnh báo việc một khu kinh tế đặc biệt ở Thượng Hải để thu hút đầu tư nước ngoài sẽ trở thành “khu nhượng bộ nước ngoài”. Bởi Thượng Hải từng là biểu tượng cho “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc từ Chiến tranh Nha phiến cho đến Thế chiến II.

Chính quyền Thượng Hải vẫn tiếp tục vận động hành lang. “Trong thập niên 1980, khi lên kế hoạch phát triển thành phố, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng khu Phố Đông và cố thuyết phục chính quyền trung ương”, ông Zhang Rufei, cựu quan chức quy hoạch ở Thượng Hải cho biết.  

Trước khi ra trung ương để đảm nhận chức vụ phó thủ tướng, cựu Chủ tịch, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Chu Dung Cơ đã đặt nền móng phát triển thành phố. Năm 1989, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đồng ý để Thượng Hải phát triển khu Phố Đông.

Sau đó, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua dự án xây dựng khu Phố Đông thành đặc khu kinh tế (SEZ). Chính ông Đặng Tiểu Bình khẳng định Thượng Hải phải trở thành “đầu rồng”, trung tâm kinh tế của cả đất nước Trung Quốc.

Năm 1990, ông Chu Dung Cơ thuyết phục ông Đặng Tiểu Bình ủng hộ một kế hoạch tham vọng hơn nữa. Đó là không chỉ biến Phố Đông thành một SEZ, mà còn phát triển Thượng Hải thành một thủ đô tài chính của châu Á, một “Phố Wall ở phương Đông”.

Nhà nghiên cứu Daniel Brook đánh giá ông Chu Dung Cơ là người “có đầu óc của một kỹ sư”. Sau khi ông Đặng Tiểu Bình thông qua kế hoạch “Phố Wall ở phương Đông”, ông Chu mời một loạt giám đốc tài chính các tập đoàn phương Tây đến khách sạn Hòa Bình ở Bến Thượng Hải. Ông mời họ nhìn qua sông Hoàng Phố để quan sát khu Phố Đông.

Ông Chu giải thích rằng nơi đó sẽ trở thành một trung tâm tài chính của khu vực. Một giám đốc dự cuộc họp đó nhớ lại: “Ở đó chỉ có ruộng lúa và các nhà kho. Có cả người định cư nữa. Tôi hỏi ông Chu rằng ông sẽ làm gì với dân ở đó. Ông ta trả lời là sẽ di dời họ”.

Hành động quyết liệt

Và ông Chu đã hành động đúng như cam kết. Chính quyền Thượng Hải ra lệnh di dời 300.000 cư dân ở Phố Đông tới các tòa nhà tái định cư. Nhiều gia đình không muốn ra đi. Nhà chức trách đã phải cắt điện và nước của một số khu cộng đồng. Cuối cùng, hơn 1 triệu hộ gia đình đã phải di dời để chính quyền tái thiết Thượng Hải.

{keywords}

Trong một thập kỷ phát triển khu Phố Đông, chính quyền Thượng Hải và trung ương đã chi hơn 10 tỷ USD để xây dựng hạ tầng cơ sở, bao gồm hàng loạt cầu và đường hầm kết nối khu trung tâm cổ kính của thành phố với trung tâm tài chính mới ở Phố Đông.

Hàng loạt doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc ồ ạt đổ tới Phố Đông. Để “dụ dỗ” các công ty nước ngoài, chính quyền Thượng Hải tung ra các chính sách ưu đãi thuế và áp dụng chiến lược tiếp thị dựa trên hạ tầng đầy hiệu quả. Với 3 tòa cao ốc đầu tiên được xây dựng ở Phố Đông, chính quyền tổ chức cuộc đấu thầu quốc tế vào năm 1993.

Khi đó, các công ty phương Tây và Nhật cạnh tranh để thiết kế một tòa tháp 88 tầng (đối với người Trung Quốc, số 8 biểu thị sự may mắn và thịnh vượng). “Ý đồ đằng sau tòa tháp này là tạo ra một động lực cho các nhà phát triển địa ốc tại Thượng Hải, một đẳng cấp để thành phố trở thành trung tâm tài chính phương Đông”, kiến trúc sư Mỹ Adrian Smith, người thắng thầu, kể lại.

Và thế là cơn sốt xây dựng tại Thượng Hải bùng lên. Ngày nay, các tòa nhà cao tầng đã mọc lên san sát, chật kín cả khu Phố Đông. Nhưng Thượng Hải mới không chỉ có thế. Để xây dựng một thành phố đẳng cấp thế giới, chính quyền Thượng Hải thu hút 3 tầng lớp người.

Đó là người lao động từ nông thôn có nhiệm vụ xây dựng các công trình của thành phố, các chuyên gia nước ngoài với công việc tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia, và những người trẻ, tốt nghiệp đại học, nói được tiếng Anh để làm việc tại các công ty đó. Bộ mặt đô thị của Thượng Hải mới được hình thành.

Ngày nay, Thượng Hải được đánh giá là một thành phố hiện đại, phát triển hơn hẳn so với Hong Kong. Với dân số 24 triệu người, Thượng Hải được mô tả là “Paris ở phương Đông”. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu đưa Thượng Hải trở thành trung tâm kinh tế - tài chính và trung tâm giao thông quốc tế vào năm 2020.

GDP cao nhất Trung Quốc

Kể từ năm 1992, tăng trưởng của Thượng Hải luôn đạt 2 con số, chỉ trừ 2 năm khủng hoảng tài chính thế giới 2008 và 2009. Năm 2013, GDP Thượng Hải chạm mức 2.160 tỷ nhân dân tệ (332,4 tỷ USD), cao nhất Trung Quốc. GDP bình quân đầu người lên đến 82.560 nhân dân tệ (12.784 USD). Các ngành dịch vụ và tài chính đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của thành phố.

Năm 2013, chính quyền Trung Quốc thành lập khu thương mại tự do (FTZ) tại Thượng Hải. Dự án này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Đây là FTZ dầu tiên trong lãnh thổ Trung Quốc, rộng 120,72 km2, bao gồm 4 đặc khu kinh tế ở Phố Đông. Tháng 4/2015, FTZ Thượng Hải được mở rộng.

FTZ Thượng Hải là nơi chính quyền Trung Quốc thử nghiệm các chính sách cải cách kinh tế và xã hội, bao gồm 18 loại dịch vụ bị hạn chế đầu tư nước ngoài như dịch vụ y tế, viễn thông, ngân hàng…. Tuy nhiên truy cập Internet không hạn chế tại FTZ Thượng Hải vẫn không được thực hiện. Nhiều sáng kiến còn bị hạn chế.

Đến nay đã có khoảng 23.000 công ty đăng ký hoạt động ở FTZ Thượng Hải. Tuy nhiên thời gian qua nhiều công ty cho biết hoạt động tại FTZ Thượng Hải không thực sự hiệu quả. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phải kêu gọi các quan chức quản lý FTZ Thượng Hải đưa ra các chính sách mạnh mẽ và thông thoáng hơn.

(Theo Zing)