Nhìn vào thực tế nông sản dồn ứ tại các cửa khẩu trong thời gian vừa qua, nhiều người ví von đây là căn bệnh mạn tính, chưa có vaccine phòng ngừa, cũng chưa có thuốc để đặc trị.

Đối với doanh nghiệp, có thể chấp nhận ùn ứ một chuyến hàng này ở cửa khẩu, nhưng đến chuyến sau lại có lãi và lấy lại được, dù điều này cũng khó khăn chứ không dễ dàng gì. Nhưng đối với bà con nông dân, không bán được hàng là gần như mất trắng. Bởi bà con chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

{keywords}
Đóng gói nông sản chuẩn bị đưa ra thị trường

Giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản ở cửa khẩu được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, cuộc làm việc với mong muốn tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Tuy nhiên câu chuyện ùn tắc nông sản đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo: Xuất khẩu nông sản là vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế.

Xuất khẩu nông sản không thể "đường mòn lối mở mãi", phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh!

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, để giải quyết căn cơ vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay, rất cần tổ chức lại sản xuất, hướng đến xây dựng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp- đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản.

Dường như, mọi cái bẫy đối với chúng ta nằm ở 3 chỗ. Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó. Doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó. Còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

"Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính chúng ta phải xem lại mình trước".

Muốn vậy, bên cạnh việc cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, cân bằng được giá cả vật tư đầu vào và  đầu ra, yếu tố tổ chức lại ngành hàng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Vì mỗi ngành hàng không chỉ có ở một địa phương. Phải đưa vào một quỹ đạo thông qua các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp, hình thành những liên minh để cùng đề ra những khuyến nghị, định hướng chiến lược chứ không thể là tư duy mùa vụ.

Mặc dù có trung tâm xuất khẩu nông sản rồi nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước.

Chúng ta cũng phải tính đến một ngày nào đó tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước cũng không còn dễ tính nữa. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi rất nhiều.

Sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Bộ NNPTNT sẽ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội ngành hàng.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin.

Suy cho cùng, chúng ta không thể nào xây dựng thương hiệu nông sản khi tất cả không vào cuộc, phải quyết tâm đưa hình ảnh đẹp về nông sản của chúng ta tới các thị trường trên thế giới. Mặc dù đây không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhưng chúng ta phải đi rồi thì mới có đến. Để chuyển từ tư duy sản xuất, xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một hành trình thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy của hiệp hội ngành hàng, của doanh nghiệp, của người nông dân mà trách nhiệm trực tiếp là chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cung cấp những chiến lược chung, định hướng và tuyên truyền những chuẩn mực của thị trường.

Ngọc Ánh