- Đây là bộ Atlas thế giới quý giá do nhà địa lý học kiệt xuất Philippe Vandermaelen xuất bản tại Bruxelles năm 1827, trong đó thể hiện rõ chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa.

Chiều 19/10, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ bàn giao và tiếp nhận bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 giữa Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ.

Theo GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, bộ Atlas được Philippe Vandermaelen (1795-1869) hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin về quan sát thiên văn hay những chuyến du hành tới nhiều nơi trên trái đất. Bộ Atlas nổi tiếng này đã được khai thác và sử dụng ở khắp các châu lục.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trong lễ bàn giao

"Trong 111 tấm bản đồ các nước châu Á, Việt Nam khi đó được giới thiệu thông qua 4 tấm. Trong đó, tấm 106 đề Partie de la Cochinchine vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được vẽ chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ từ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111", ông Ngọc nói.

{keywords}

 Bên cạnh khu vực được xác định là Paracels là một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d'An-nam) với những thông tin địa lý, chính trị, thống kê, khoáng sản...

Ngoài ra còn kể đến tấm bản đồ số 98 đề Partie de la Chine vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho thấy rõ biên giới cực nam của TQ khi đó chỉ đến đúng cực nam của đảo Hải Nam, chưa chạm đến vĩ độ 18.

Những phản ánh này của bộ Atlas thế giới do Philippe Vandermaelen vẽ cũng thống nhất với các tấm bản đồ phương Tây cùng thời cũng như với các bản đồ của chính TQ từ thập kỷ đầu thế kỷ 20 trở về trước.

Theo Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, bộ Atlas thế giới nói chung và tấm bản đồ Partie de la Cochinchine nói riêng, là một tài liệu vô giá, một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN.

"Bản đồ Partie de la Cochinchine không chỉ khẳng định sự tuyệt đối chính xác chủ quyền của VN ở Hoàng Sa, mà còn đủ cơ sở vững chắc để bác bỏ một cách triệt để lối giải thích mập mờ, tùy tiện, mà thực chất là lợi dụng xuyên tạc của một số học giả TQ", ông Ngọc khẳng định.

{keywords}

Phát biểu tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao tầm quan trọng của Bộ Atlas trong công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhất là trong suốt cuộc đấu tranh kéo dài 75 ngày phản đối TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN.

"Bộ TT&TT bàn giao tư liệu quý này cho Bộ Nội vụ quản lý và khai thác để có điều kiện lưu trữ bảo quản tốt nhất, phục vụ  các nhà khoa học và các cơ quan đơn vị trong công tác nghiên cứu, phục vụ đấu tranh trên mặt trận thông tin tuyên truyền và pháp lý, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN", Thứ trưởng nói.

Tiếp nhận tư liệu quý này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, bộ Atlas là bằng chứng quan trọng góp phần bổ sung thêm một nguồn sử liệu quý giá vào hệ thống các tài liệu, tư liệu khẳng định chủ quyền của VN, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng đất nước.

H.Nhì