- Các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn
mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông
vì đây là lợi ích của khu vực.
Sau khi kết thúc hội nghị cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị liên quan,
chiều 20/11, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí về các
kết quả cũng như những vấn đề nổi lên.
Lãnh đạo các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa hiện thực hóa Lộ trình xây
dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 nhằm hoàn thành đúng tiến độ và các chỉ tiêu
đề ra trong từng trụ cột Cộng đồng, nhất là trụ cột kinh tế.
Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của
ASEAN trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở
khu vực, cũng như trong cấu trúc hợp tác khu vực và định hướng xử lý các vấn đề
thuộc quan tâm chung ở khu vực, vì lợi ích chung của hòa bình, hợp tác và phát
triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao
Phạm Bình Minh tại hội nghị Cấp cao ASEAN 21. Ảnh: VOV
Do đó, ASEAN cần chủ động xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung và phát huy tác
dụng của các công cụ hợp tác chính trị - an ninh ở khu vực như Hiệp ước Thân
thiện và Hợp tác ở ĐNA (TAC), Hiệp ước khu vực ĐNA không có vũ khí hạt nhân
(SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của
ASEAN về Biển Đông, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng
ASEAN mở rộng (ADMM+)…
Các nhà lãnh đạo của các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn
định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông vì đây là lợi ích và quan tâm chung
của khu vực và tất cả các nước.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, các nhà lãnh đạo ủng hộ Tuyên bố về
ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về
Biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC; tôn trọng luật pháp quốc tế và
Công ước Luật biển 1982 của LHQ.
Đáng chú ý, tại dịp này, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông
qua Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC, trong đó nhấn mạnh giá trị quan trọng của
DOC và việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy định trong văn kiện này, vì hòa
bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.
Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền
ASEAN; thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN
trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu; chính thức công bố lập Viện nghiên cứu
hòa bình hòa giải ASEAN (AIPR…
Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm đề cử nhân sự của
Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, vào cương vị Tổng thư ký ASEAN
nhiệm kỳ 2013-2017.
Đóng góp của Việt Nam
Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và tích cực
đóng góp và việc tăng cường vai trò và hợp tác ASEAN, cũng như xây dựng ASEAN
đoàn kết, liên kết và vững mạnh, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, vì hòa
bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
Việt Nam cũng ủng hộ và đề cao việc ASEAN tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo
trong cấu trúc hợp tác khu vực và trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát
triển ở khu vực, đoàn kết có tiếng nói và xử lý hiệu quả các vấn đề nảy sinh và
các thách thức đặt ra ở khu vực.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đồng tình với quan điểm chung
của ASEAN về vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định,
an ninh và an toàn hàng hải; ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu
quả DOC, Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và sớm xây dựng COC; giải quyết
các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của
luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ 1982, trong đó có các quy định
của Công ước về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc
gia ven biển.
L.Thư