Bảo hiểm xe máy giá rẻ chỉ là chiêu câu khách
Là một loại giấy tờ bắt buộc phải đem theo khi tham gia giao thông nhưng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộccho xe máy lại không được nhiều người để ý. Do đó, đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 15/5 đã khiến cho nhu cầu mua bảo hiểm xe máy bắt buộc tăng cao.
Hàng loạt điểm bán bảo hiểm mọc lên như nấm trong cao điểm đợt kiểm tra. Mọi người có thể dễ dàng tìm mua trên mạng xã hội. Đáng chú ý là các loại bảo hiểm giá rẻ 10.000 – 20.000 đồng/năm được rao bán công khai khi nhiều người có tâm lý mua để “đối phó” với công an.
Trả lời thắc mắc của phóng viên về loại bảo hiểm xe máy giá rẻ đang bán tràn lan, đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) cho biết, thực tế bảo hiểm xe máy bắt buộc được rao bán với giá rẻ trên vỉa hè chỉ là một chiêu trò gây tò mò để khách hàng dừng lại mua.
Theo phân tích, bảo hiểm xe máy có hai loại chính: Loại thứ nhất là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe máy. Đây là loại bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật và cũng là loại bảo hiểm mà CSGT kiểm tra khi dừng phương tiện.
Thứ hai là bảo hiểm tự nguyện trách nhiệm dân sự của chủ xe. Đây là bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe máy và là phần tăng thêm sau khi mua bảo hiểm bắt buộc. Loại này thường chỉ được bán sau khi mua loại bảo hiểm bắt buộc. Do đó, việc rao giá 10.000 – 20.000 đồng/năm chỉ là một cách thức câu kéo sự chú ý của nhiều người.
Loại bảo hiểm này không phải bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc theo quy định của Nhà nước nên người đi xe vẫn bị phạt 200.000 đồng theo quy định của Nghị định 100.
Cách phân biệt các loại bảo hiểm xe máy như thế nào?
Không chỉ bày bán ở vỉa hè, các loại bảo hiểm xe máy cũng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Bởi vậy, không ít người băn khoăn về tính pháp lý của các loại bảo hiểm nếu cần làm thủ tục bồi thường khi xảy ra tai nạn.
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện PTI cho hay: Theo quy định, khi muốn bán bảo hiểm thì người bán/đại lý phải được đào tạo, thi được chứng chỉ để đủ điều kiện tư vấn cho khách hàng. Nhưng khi bảo hiểm xe máy đang có nhu cầu quá lớn thì các đại lý có thể có thêm nhiều người bán (CTV bán hàng - PV). Tuy nhiên, đại lý vẫn phải là người đứng ra tư vấn, đứng mũi chịu sào. Nếu loại bảo hiểm xe máy bắt buộc này được bán theo đúng quy định (ghi đúng và đầy đủ thông tin – PV) thì không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của khách hàng. “Khách hàng chỉ cần có giấy bảo hiểm trong tay, của đúng doanh nghiệp bảo hiểm thì bất luận người bán là ai, doanh nghiệp vẫn có thể đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, vị này nói.
Dù vậy, không loại trừ khả năng người mua có thể mua phải bảo hiểm “rởm”. Tình trạng này đã từng xảy ra trong thực tế.
“Nếu bảo hiểm bị làm giả và bán ra thị trường thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị thất thoát. Do đó, mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm đều có cách bảo quản các ấn chỉ riêng của mình”, đại diện PTI nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ấn chỉ in sẵn thường dùng cho các bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (xe máy, xe ô tô, xe tải). Các công ty bảo hiểm in sẵn cả chữ ký và dấu công ty nên đại lý bảo hiểm chỉ cần điền thông tin về phương tiện được bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm sẽ có hiệu lực sau một thời gian nhất định.
Khi đại lý báo mất ấn chỉ bảo hiểm, bộ phận chức năng chỉ lập biên bản hủy chứ không tìm kiếm, thu hồi nên đã có tình trạng lợi dụng báo mất giả để trục lợi.
Để tránh mua phải bảo hiểm giả, theo chuyên gia từ Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), người dùng có thể tự kiểm tra bằng nhiều cách.
Do mỗi doanh nghiệp có một cách bảo quản ấn chỉ riêng nên người dùng cần để ý đến màu sắc, cách in ấn (con dấu, chữ ký) và các thông tin phải được ghi theo đúng quy định. Ngoài ra, có thể kiểm tra bảo hiểm bằng cách gọi lên tổng đài; gửi mã số bảo hiểm qua tin nhắn hoặc quét mã để kiểm tra hiệu lực bảo hiểm.
Lời khuyên các chuyên gia dành cho người dùng là nên chọn mua bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm uy tín, có thương hiệu trên thị trường để được bảo vệ quyền lợi.