Không nhiều huyện biển như Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ninh... tỉnh Ninh Bình chỉ có Kim Sơn. Từ công cuộc khẩn hoang của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ (1829), đến nay đã 7 lần quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn, đào vuông ao... Như một vết lăn dài ra biển, người khai hoang mang những nét hoang sơ.

Bên đê lấn biển: Chạy biển (Kỳ 4)

Bên đê lấn biển: Phận người nơi đầu sóng (Kỳ 3)

Bên đê lấn biển: Nỗi niềm Tiên Lãng (Kỳ 2)

Bên đê lấn biển: Thi gan cùng sóng dữ (Kỳ 1)

"Tép tôm ai nỡ dứt tình"

Cồn Thoi trước kia chỉ là nhô đất mới cách thị trấn Kim Sơn 18 km. Bây giờ nền vững, đất liền không nhận ra dấu xưa như tên gọi. Cũng như huyện lỵ Kim Sơn, thị trấn Phát Diệm tàu thuyền cập bến, nay đi mãi mới ra đến biển.

Sau giải phóng miền Nam 1975, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) có chính sách đưa dân đi khai hoang, mở những nông trường. Bình Minh - tên gọi tiền đề cho việc mở đất tại huyện Kim Sơn trong thời kỳ mới. Hơn ba mươi năm, một thế hệ vừa lớn thì nông trường cũng nhân lên tên gọi: Bình Minh 1, Bình Minh 2, Bình Minh 3. Nông trường Bình Minh, cồn bãi Cồn Thoi thành thị trấn. Và các xã lân cận Kim Tân, Kim Đông, Kim Mỹ... đều có câu trả lời "đây ven biển". Thế nhưng "bản quyền" ven biển đã thuộc về hai xã Kim Hải, Kim Trung. Nhưng nay, người hai xã này còn chạy mệt mới ra đến mép biển. Mỗi năm biển giật lùi từ 80 đến 100 mét, bồi đắp từ 2 đến 3 cây số vuông.

Đất hoang vẫy gọi sức người. Người đến, lán cỏ mọc lên trên đồng cỏ, soi bóng ao chuôm. Trong mênh mông không thấy bóng người, cảnh đìu hiu, cỏ lác. Nhìn cảnh, nhớ thơ của quan Doanh Điền: "Nghĩa tép tôm ai nỡ dứt tình/ Ơn thuỷ thổ phải đền cho vẹn sóng!"... 182 năm trước, Nguyễn Công Trứ đã chiêu mộ dân lưu vong tụ về quai đê lấn biển và đặt tên huyện Kim Sơn. Nay diện tích đất của huyện tăng gấp 3 lần, bộ phận dân cư sầm uất lại hình thành thị trấn, thị tứ mới. Bảy lần đắp đê, ba lần kiên cố đê bê - tông. Đê thành đường giao thông, như cánh cung lớn. Biển Ninh Bình như chàng trai tuổi 18 ưỡn mình vươn ra sóng. Sức sống của dân nơi đây hoang dại, trẻ trung.


Tìm về chân đê

Hai năm trước, Nguyễn Văn Công (xóm 5, xã Kim Chung) mười bảy tuổi. Công cất tôm nhà, bán cho đại lý thu mua hải sản được 400 nghìn, nhét vội bộ quần áo vào túi, bắt chuyến xe lên Hà Nội. Mười ngày lang thang trong thành phố kiếm việc, tối về bến xe Giáp Bát. Vỉa hè, ghế phòng chờ mua vé thành giường. Giấc ngủ khi ngoẹo đầu, lúc co chân. Đêm nào "sang" lắm thì vào phòng trọ 10 nghìn đồng. Ngày vật vờ phố, tới bữa lại điệp khúc bún đậu, bánh mỳ. Không kiếm được việc, suốt thời gian ấy Công chỉ được ăn ba bữa cơm bèo bọt. Tiền hết, bụng lép. Hai ngày cuối ngồi vạ bến xe, gặp được người quen cùng quê, Công vay tiền mua vé, chào Hà Nội!

Gặp Công trên đê, Công kể về đoạn đời lang thang của mình với vẻ chân tình, hoảng hốt. Cậu lắc đầu: "Hà Nội vui. Người xe đông đúc. Nhưng chả kiếm nổi việc ra hồn. Nào xách vữa, khuân gạch, rửa bát..., chán quá!". Nay về biển, "tổng quản" đàn ngưu chín con. Hỏi sao không coi đồng tôm hay đuổi vịt, Công bảo bố mẹ em sợ dốc đồng, bán đàn ôm tiền lên phố. Cậu khoe, thêm tuổi nữa là cậu được xã cấp giấy kết hôn. Có vợ là được chia đồng, được tính toán làm ăn nên từ bỏ ý định lên phố.

Đê 3 khánh thành năm 2010, đánh dấu mốc quản lý hành chính của xã đến chân đê. Ngoài đê, đất hoang, ruộng mới, người của tỉnh, huyện tràn xuống, người nơi khác "dạt" về... Nói chung là "no mặt đủ đòn" hội tụ. Ao đầm ngoài đê do huyện quản lý. Cửa sông, đồng bãi mênh mông nhưng muốn ở yên đương nhiên phải làm... luật!

Đi 15 km đê chỉ thấy mênh mông cỏ lác, chỗ "bừng sáng" nhất con đê cũng là nơi gặp gỡ của nhiều người trong đồng ngoài bãi: quán thịt chó Thành Hương. Chủ quán cũng "khôn", đặt "trụ sở" nằm ngoài đê 3, vùng không thuộc quyền quản lý của xã. Quán tuềnh toàng sạp tre, mái lợp tấm phi- brô xi-măng, quán thịt chó nhưng hỏi gì cũng có. Từ nước giải khát, trứng vịt "nộn" (nguyên văn trên biển quảng cáo) đến bún mọc, bánh cuốn chả... Ở nơi đồng không mông quạnh này tưởng quán hàng sẽ hút khách. Thế nhưng từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều vẫn chỉ có hai gã "lèm bèm". Rượu Kim Sơn khiến khách quên đồng, bỏ lán. Nhân thân chủ quán Thành Hương cũng là người nơi khác về đây kinh doanh, cánh đồng hoang gặp mùa gió chướng! Chiều sầm sập xuống, hai vị khách ngà ngà say hò ơ câu hát: "Em chê thuyền thúng không đi/ Em đi thuyền ván lắm khi gập ghềnh".

Sông Cà Mau- tên sông như nhắc đến vùng đất Mũi miền Tây Nam bộ. Nhưng sông này là sông của Kim Sơn. Sông chảy nối những bãi bồi, cồn ngang rồi đổ ra biển. Đất Kim Sơn như xứ sở lạ, những loài chim quý kéo đàn về đây. Rợp trời chiều là cò thìa, cò trắng phương Bắc, mòng bể, rẽ mỏ thìa bay lượn. Rừng ngập mặn như một vườn ươm cho sự sống của biển, nơi nuôi dưỡng các loài hải sản. Đất lành chim về, nước trong cá đến, người cũng theo nhau dựng lán, mở đồng.

Ngời về đồng... lúa

Huyện Kim Sơn có 18 km bờ biển. Huyện do quan Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ lập năm Kỷ Tỵ (1829). Ngày đó, huyện có 14.600 mẫu ruộng, 7 tổng, 1.260 dân đinh, cư trú trong 60 lý, ấp, trại, giáp. Đến nay, sau 182 năm với 7 lần quai đê, lấn biển, huyện Kim Sơn đã có 25 xã và 3 thị trấn với diện tích 213,3km². Cũng như Kim Sơn (Ninh Bình) quan điền sứ đã lập huyện Tiền Hải (Thái Bình)- tên hai huyện này do ông đặt, một là núi vàng (Kim Sơn), một là biển bạc (Tiền Hải). Công lao của Nguyễn Công Trứ với nhân dân huyện Kim Sơn, Tiền Hải là rất lớn, ngay từ lúc ông còn sống họ đã lập đền thờ thờ ông.

Sông Đáy, sông Càn chảy theo chiều dài của huyện Kim Sơn. Sông Càn phân cách Kim Sơn với Nga Sơn (Thánh Hóa), sông Đáy tách Kim Sơn với Nghĩa Hưng (Nam Định). Hai dòng sông, hai cửa sông bồi đắp phù sa. Sông Đáy chảy mạnh nên phù sa bồi nhiều bên biển Kim Trung. Sông Càn nhỏ, cửa Tống khiêm nhường nên bên Kim Hải bãi lép. Những năm trước đê 3 chưa đắp, bãi bồi chưa nhiều, mỗi mùa bão đến dân xã Kim Hải vật lộn với gió. Trận bão năm 1996, đê vỡ, nước tràn vào xóm thôn, chết 45 người. Chưa đầy mười năm sau trận bão ào ạt đánh đê Kim Hải, làng thôn mái tung trong gió. Sau trận bão ấy nhà nước có quyết định đắp đê 3.

Thồ mạ ra đồng, ông Đoàn Hải Lưu (xóm 12, xã Kim Tân) kể: trước kia,  đây là đồng cói mênh mông nay thành đồng lúa. Chúng tôi thắc mắc. Kim Sơn có bảy làng nghề làm cói của huyện được xếp vào làng nghề cấp quốc gia, sao không trồng cói bán nguyên liệu cho làng nghề, lại chuyển sang trồng lúa? Ông Lưu phân trần: "Đất Kim Sơn lúa tốt lắm, năng suất tương đương với Hải Hậu (Nam Định), Thái Bình. Đất trồng cói, đất chua. Trồng cói mấy năm khi độ chua hết phải chuyển sang trồng lúa".

Vậy là đất bồi bồi mãi rồi cũng đổi thay, khi cói ngắn, lá nhỏ năng suất thấp lại là lúc ruộng cho bông nặng, hạt vàng. Một cái kết có hậu với nông dân khi ruộng mất chua, đồng chuyển ngọt.

Trở lại ven đê 3 gặp bí thư xã Kim Đông Nguyễn Văn Hải, ông kể về cái tên của mình. Trước kia bố mẹ ông sinh cơ lập nghiệp ven biển nên đặt tên ông là Hải. Người con của biển nên cũng cởi mở như biển. "Khi chưa có đê, mỗi mùa bão về vẫn phải lo, phải trực. Nay bãi ngang mở rộng, cồn dọc vươn ra, đê đã bê tông hóa. Bão cấp 12 cũng yên tâm ngủ".

Những ngày giữa tháng 3, trận động đất sóng thần bên Nhật Bản cướp đi sinh mệnh bao người, chốc lát phá tan thành phố. Điện thoại về Kim Sơn hỏi có sợ sóng thần không? Ông Hải nói: "Không, có gì mà sợ. Biển Kim Sơn có rừng phòng hộ, nhiều cù lao, cồn nổi... Sóng đánh vào, sóng lại phải ra khơi!".

Theo Ninh Nguyễn- Trần Khánh/ Tạp chí Thời Nay (báo Nhân dân)