- Mỗi người tiếp cận một góc độ khác nhau song cái nhìn chung của các ĐBQH khi phát biểu tại hội trường sáng nay là tình hình kinh tế xã hội đang ở mức báo động đỏ. Giải pháp được ban hành kịp thời nhưng thực hiện thì chậm trễ.


Những con số 'như được cài đặt'

Đây là câu cảm thán ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thốt lên sáng nay, khi cầm trên tay bản thống kê các số liệu kinh tế cơ bản.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ khi kịp thời ban hành các chính sách và kiềm chế lạm phát thành công, các ĐBQH đồng thời nhấn mạnh, có bắt mạch đúng căn bệnh của nền kinh tế mới mong “kê” được phương thuốc hữu hiệu.

Theo phản ánh của các ĐBQH, hầu hết số liệu mà Chính phủ báo cáo với QH đều ‘có vấn đề”, trong đó không loại trừ hiện tượng làm đẹp, làm sạch thống kê. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạch định chính sách.

{keywords}
ĐB Nguyễn Văn Hiến: Người dân có quyền được biết chuyện gì đang thực sự xảy ra ở đất nước mình


Ông Hiến phân tích, bản tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ QH cho thấy, rất nhiều ĐBQH nghi ngờ với các thống kê về chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp, tồn kho bất động sản và nợ xấu. Thậm chí, mỗi nơi đưa ra một số liệu khác nhau rất vênh nhau và không phản ánh đúng bản chất nghiêm trọng của vấn đề.

“Hầu hết thông tin đưa ra không sát thực tế, không có tính thời sự. Nhiều con số thiên về thành tích”, ông Hiến lưu ý.

“Tại sao hàng năm DN phá sản tăng, đầu tư xã hội giảm, công suất lo động giảm mà tỷ lệ tạo việc làm mới vẫn cứ lên đều đều, rồi tỷ lệ thất nghiệm giảm… Những con số cứ như được cài đặt”, ông Hiến nghi ngờ.

Để xảy ra tình trạng các con số thiếu độ tin cậy nói trên có thể do cách thống kê, do thiếu minh bạch hay thậm chí là bệnh thành tích.

“Thiếu con số không thể đưa ra được dự báo chính xác... Trong khi đó, người dân có quyền được biết chuyện gì đang thực sự xảy ra ở đất nước mình”, ông Hiến nói.

Cũng liên quan đến chỉ số niềm tin, các ĐBQH còn phàn nàn tình trạng các chính sách được cho là cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như đảm bảo an sinh xã hội vẫn luôn trong tình trạng “treo”, chậm đi vào cuộc sống.

“Có những vấn đề đã được nói từ hết kỳ họp này sang đến kỳ họp khác mà không khắc phục. Tôi cho rằng ngoài chuyện tồn kho hàng, tiền, cần nhìn nhận nghiêm túc chuyện tồn kho thể chế”, ĐB Hà Sỹ Đồng (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) phàn nàn.

Ông Đồng khẳng định, đây là lúc rất cần vực dậy và củng cố niềm tin trong nhân dân.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Dương cảnh báo, đáng quan ngại là trong dân chúng vẫn tồn tại sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực chính sách điều hành. Trong nhóm DN bao trùm bầu không khí im lặng dò xét chờ thời… Đặc biệt là sự lo lắng tình trạng thao túng của các nhóm lợi ích.

{keywords}
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng: Trong DN bao trùm bầu không khí im lặng dò xét chờ thời


Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga lại quan ngại chuyện ban hành chính sách "trên trời" vừa gây mất lòng tin trong dân vừa mất uy tín nhà nước.

Doanh nghiệp "chết lâm sàng"

Mối quan ngại chung của các ĐBQH vẫn là tình trạng “chết lâm sàng” của DN.

Nói như ĐB Hà Sỹ Đồng, lạm phát thấp đã không còn được nhìn nhận là một thành tích, nhất là đứng trước tình trạng cả dòng tiền và hàng đều bị “ách lại” như hiện nay. Do đó, ưu tiên của giai đoạn tới không nên tiếp tục tạo ra các con số thành tích mà phải tập trung tạo môi trường ổn định cho DN có đà phát triển.

{keywords}
ĐB Hà Sỹ Đồng: Ngoài chuyện tồn kho hàng, tiền, cần nhìn nhận nghiêm túc chuyện tồn kho thể chế


Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ Hòa Bình, ĐB Nguyễn Cao Sơn cũng phản ánh, tình trạng hiện nay của DN đã ở mức báo động đỏ. Lãi suất cho vay giảm, ngân hàng thừa vốn nhưng DN không tiếp cận được vốn, thị trường BĐS trầm lắng… “Giải pháp thì chậm trễ. Bệnh nặng đợi mãi thuốc mới về, khi có thuốc thì quá muộn, bệnh đã nặng lại càng trầm trọng thêm”, ông Sơn bình luận.

“Sức khỏe quốc gia không nên chỉ quan tâm ngắn hạn. Một khi không triệt để chữa trị sớm thì dễ dẫn đến sự bùng phát vào thời điểm không lường trước, đe dọa sự an nguy của quốc gia”.  (ĐBQH Dương Trung Quốc)

Các nhóm giải pháp được ĐBQH tập trung đề xuất là phải giải quyết tồn kho nợ đọng xây dựng cơ bản, tăng tổng cầu cho nền kinh tế, tiếp tục giảm lãi suất cho vay…

“Đề nghị Chính phủ hạ lãi suất tiền vay xuống 8%, khoanh nợ các khoản nợ quá hạn… Giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng... Phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ để thanh toán các dự án đầu tư công mà Chính phủ đang nợ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Cao Sơn nêu ý kiến.

Về chính sách tiền tệ, ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu cho rằng nên chú trọng giải pháp khai thông kênh vốn tín dụng để hướng dòng tiền vào nền kinh tế, bởi đây là sự sống còn của cả DN lẫn hệ thống ngân hàng. “Nên phấn đấu để đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 12%”, ông Chiểu đề xuất.

Cũng theo ông Chiểu, chính sách tài khóa nên có sự chủ động, linh hoạt. Nếu tới quý 3 năm nay tình hình vẫn khó khăn, tình trạng hụt thu tiếp tục kéo dài thì nên sớm có sự chủ động linh hoạt điều chỉnh các chỉ tiêu để tránh bị động.

Nhìn về dài hạn, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng lạm phát đến nay không còn là con ngựa bất kham. Vì vậy đề xuất Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội còn tiếp tục cả ngày hôm nay. Dự kiến, trong buổi chiều, một số vị tư lệnh ngành sẽ giải trình làm rõ những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng