Một đêm muộn cách đây vài năm, anh bạn gửi đường link Facebook của một bé gái học lớp 8 vào nhóm chat. Trong đó là bức ảnh cô bé đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch đang nằm phủ phục úp mặt xuống sàn nhà. Đọc nội dung hiểu được rằng bố của bạn ấy dùng Facebook của con post, ngôn ngữ căng thẳng. Anh ta viết rất dài để chế độ public về những khuyết điểm của con gái, trong đó có đoạn tố con gái hư hỏng, trộm tiền của bố mẹ, bà ngoại và bị đánh đòn.

Mấy anh em vào comment, inbox khuyên nhủ người cha bình tĩnh lại, và trước tiên hãy xoá ngay bức ảnh. Bởi đó sẽ là một vết thương vô cùng nặng nề đối với tâm lý đứa trẻ. Chừng vài phút sau bức ảnh biến mất. Mình khi ấy hi vọng bạn bè của cháu chưa ai kịp nhìn thấy nó.

Khi tức giận sẽ không bao giờ thiếu lý lẽ để biện minh cho nó, nhưng hiếm khi có lý lẽ tử tế. Và tất nhiên, nó không làm thay đổi nhận thức người khác, nó chỉ khiến bản thân biến đổi.

Mình cũng hay nói với bạn bè, mạng xã hội vui đấy nhưng là con dao hai lưỡi. Khi bực tức, tốt nhất tránh xa cái điện thoại ra. Những lời cay nghiệt, bốc đồng trên mạng để làm tổn thương ai đó không dễ gì xoá được trong tiềm thức họ. Nhất là với những đứa trẻ đang tuổi hình thành nhân cách.

Cuộc sống, tâm lý của chúng nếu bị sứt mẻ bởi sự nghi ngờ, bạo lực, một khi câu chuyện đã kết thúc, có thể vừa rất đơn giản, nhưng lại vô cùng phức tạp.

Năm 1989, cậu bé cùng xóm bị bố lột trần, trói vào ghế giữa sân tập thể dùng dây điện vụt vì nghi ngờ nó lấy trộm 1 chỉ vàng. Đánh đến vằn máu nó cũng không khóc, không nhận. Tới đêm khuya, có ai đó lén ra cởi trói. Nó cứ vậy vùng chạy, những ngày tháng kế tiếp sống lang thang quanh bến xe Kim Mã (nay là cuối Nguyễn Thái Học giao cắt Giảng Võ, Hà Nội).

Sau đó không lâu, gia đình tìm thấy chỉ vàng, do người mẹ cất sang vị trí khác rồi quên. Người nhà bủa đi tìm, nó thấy từ xa là bỏ chạy. Sự cố ấy biến cậu bé nhiều năm sau đó trở thành kẻ đầu trộm đuôi cướp thực thụ. Đám trẻ trong xóm chúng tôi đi học được nó nhiều lần che chắn khỏi những kẻ bụi đời bắt nạt hay trấn lột...

Nó mất trong một cuộc va chạm bạo lực, mình đứng lặng nhìn "đứa trẻ thời cũ" nằm trên cáng inox trong căn phòng khám nghiệm pháp y, thương tiếc những ký ức vui vẻ đã lớn lên cùng nhau.

Thật khó để những người làm cha làm mẹ chấp nhận rằng họ không thể bảo vệ được con mình trước mọi thứ. Và với một đứa trẻ để chấp nhận chuyện đó cũng rất khó khăn.

Có thể nhiều cha mẹ tự thuyết phục rằng mình làm mọi thứ vì con cái. Nhưng thật đau đớn khi phải thừa nhận rằng những đứa con cứ không ngừng lớn lên, thay đổi tâm sinh lý trong lúc bố mẹ chúng hồn nhiên bận rộn với những thứ khác.

Mạng xã hội chẳng hạn...

Hoàng Minh Trí

 

'Con xem phim đen không phải hư hỏng, chúng là nạn nhân'

'Con xem phim đen không phải hư hỏng, chúng là nạn nhân'

Việc đập vỡ điện thoại của con chính là cách thể hiện của một “nhà cầm quyền” đối xử với “kẻ phạm tội” chứ không phải là của một người cha, người mẹ với con cái của mình.