Các bác sĩ Ấn Độ đang nỗ lực xác thực nguyên nhân khiến một bé trai mới 6 ngày tuổi tự động bốc cháy.
Năm 2013, cô K Rajeswari cũng đưa cậu con trai Rahul, 3 tháng tuổi nhập viện với lí do cậu bé tự bốc cháy tới lần thứ 4. Ảnh: Mirror |
Bé trai sơ sinh đã được đưa vào bệnh viện Cao đẳng Y Kilpauk (KMCH) ở Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ sau khi gia đình phát hiện em đột ngột bốc cháy không rõ nguyên nhân. Cậu bé đang được theo dõi sát sao suốt ngày đêm.
K Rajeswari, mẹ của cậu bé, kể lửa đột ngột bùng cháy ở đôi chân của con trai cô hồi cuối tuần trước, 6 ngày sau khi cậu bé chào đời. Một nhóm gồm 5 chuyên gia tại bệnh viện KMCH, kể cả bác sĩ nhi, bác sĩ tâm thần và chuyên gia phẫu thuật tạo hình đang tiến hành các cuộc kiểm tra đối với đứa trẻ sơ sinh.
Theo giám đốc bệnh viện, sau khi có kết quả kiểm tra, các chuyên gia sẽ quyết định phương hướng điều trị cho cậu bé.
Đây không phải là lần đầu tiên cô Rajeswari, 22 tuổi thông báo, một trong những đứa con của mình tự động bốc cháy. Hồi tháng 8/2013, người phụ nữ này cũng đưa cậu con trai Rahul, 3 tháng tuổi tới bệnh viện để thăm khám với tuyên bố cậu bé đã đột ngột bị lửa thiêu đốt lần thứ 4.
Sau hàng loạt cuộc kiểm tra, các bác sĩ phát hiện, Rahul không hề tự bốc cháy. Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng, cậu bé có thể bị chính người thân hoặc họ hàng ngược đãi và phóng hỏa thiêu đốt.
Mặc dù nghi vấn bé sơ sinh Ấn Độ tự bốc cháy vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhưng hiện tượng người tự bốc cháy (SHC) được xác nhận là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều vụ tử nạn, trong đó nhà chức trách không phát hiện bất kỳ mồi lửa rõ ràng nào từ bên ngoài đối với các xác chết bị thiêu rụi.
Ước tính có khoảng 200 trường hợp SHC từng được phát hiện trên khắp thế giới từ trước tới nay. Các nạn nhân thường là người già cả, ốm yếu hoặc say rượu bia - lí do khiến họ không thể thoát khỏi hỏa hoạn.
Giới khoa học vẫn chưa giải mã được hiện tượng trên, nhưng họ có đưa ra "giả thuyết bấc đèn" nhằm lí giải các vụ việc như vậy. Giả thuyết nhận định, cơ thể người có thể trở thành ngọn nến "lộn ngược từ trong ra ngoài". Trong đó, quần áo người đóng vai trò như bấc đèn, con mỡ trong cơ thể người là sáp hoặc chất dễ cháy, khiến ngọn lửa tiếp tục cháy.
Các chi có thể còn nguyên vẹn trong những trường hợp SHC do sự chênh nhiệt, với nửa dưới cơ thể dịu mát hơn nửa trên.
Một số người phỏng đoán, tĩnh điện có thể là thủ phạm làm tóe lửa, dẫn đến hiện tượng SHC.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail, Mirror)