“Chỉ tặng không bán”
Gọi điện “Tặng quà tri ân, chỉ tặng không bán” - hình thức lừa đảo tưởng như đã cũ nhưng với nhiều cách thức, chiêu trò tạo niềm tin với những vị khách nhẹ dạ cả tin vẫn giúp cho một số đơn vị kiếm tiền tỉ.
Chiếc vòng phong thủy được quảng cáo là có giá 300.000 đồng được dùng để “tri ân khách hàng”. |
Theo đó, với những lý do như: “Khách hàng đã từng mua đồ ở cửa hàng” hoặc “Tri ân khách hàng nhân ngày khai trương”… cùng với lời mời gọi “nhận quà miễn phí”, đã khiến không ít người nhẹ dạ cả tin bị mất tiền oan.
Đáng nói, các tổ chức này thường xuất hiện duới bỏ bọc liên kết hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp lớn như bưu điện, hãng chuyển phát uy tín, cửa hàng vàng bạc đá quý, càphê… để lấy lòng tin của khách hàng. Chiêu trò lừa đảo đã cũ, nhưng lòng tin của khách hàng lại dễ lung lay trước hình thức ngày càng tinh vi.
Chị Thu Hằng (Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi nhận được một số máy lạ gọi đến nói từ hãng càphê nổi tiếng H. tặng tri ân khách hàng 1 vòng phong thuỷ giá trị và sẽ ship hàng đến tận nơi. Khi nhận quà tặng, tôi được báo mất phí chuyển phát là 50.000 đồng. Bất ngờ là khi mở ra thì thấy chiếc vòng chỉ như hàng đổ sỉ la liệt ở chợ với mức giá chưa tới 10.000 đồng. Nghi ngờ, tôi gọi điện lên tổng đài của hãng H. thì được biết đơn vị này không có chương trình tặng quà như thế bao giờ”.
Nhiều người "vỡ mộng" khi nhận được "quà tặng" với phí "chát" |
Nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc về việc “mất tiền oan” để nhận về một chiếc vòng phong thủy giả, kém chất lượng, nhóm phóng viên Lao Động đã tìm đến những công ty “ma” này và ghi nhận được những thông tin đáng chú ý.
Sau khi tìm hiểu các thông tin, nhóm phóng viên tiếp cận một cơ sở tuyển dụng bằng cách nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí “Nhân viên chăm sóc khách hàng”, chúng tôi được gọi đến phỏng vấn với lời giới thiệu: Công ty hiện đang có dữ liệu của các khách hàng sử dụng dịch vụ của... để thực hiện chương trình tặng quà tri ân khách hàng. Quà tặng thì hoàn toàn miễn phí, khách hàng chỉ cần trả tiền ship.
Công việc của các em là gọi điện thoại, hướng dẫn và xác nhận địa chỉ của khách khi khách nhận hàng. Mỗi ca thông thường sẽ gọi từ 120 đến 150 cuộc, chốt được 60 đơn.
Sau khi qua vòng phỏng vấn, nhóm phóng viên đã tiếp cận được nơi làm việc.
Tại cơ sở 1 trên đường Tố Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi làm việc chỉ là một căn hộ trong tòa HH2 Bắc Hà, bên ngoài được gắn biển công ty có tên Văn phòng giao dịch TNHH cung ứng nhân lực iConnect VN.
Còn tại cơ sở 5 trên đường Giải Phóng (Hà Nội), nơi làm việc được đặt ngay trên tòa nhà của Viettel Post. Tới nơi, “lính mới” như chúng tôi phải có người dẫn lên, hoặc đi cửa sau để vào được bên trong.
Trong văn phòng ở cả hai cơ sở đều có một chiếc bàn lớn ở giữa, mỗi nhân viên “chăm sóc khách hàng” với chiếc máy tính cá nhân để thực hiện công việc được giao.
Trước khi vào làm việc, nhân viên mới phải trải qua một buổi “đào tạo” cấp tốc để chốt càng nhiều đơn càng tốt. Mỗi lần gọi điện, nhân viên không được tư vấn thiếu bất cứ nội dung nào theo kịch bản, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nhân viên sẽ phải tự biến tấu cho phù hợp. Mục đích duy nhất là khiến khách hàng nhận “quà”.
Mục đích duy nhất là chốt đơn hàng
Mỗi nhân viên đều có một tài khoản trên trang pushsale.vn, được quản lý đăng ký cho. Tài khoản này được công ty “đổ” data khách hàng bao gồm: Tên, địa chỉ, số điện thoại được phân theo các nhà mạng.
Theo lời của người tuyển dụng nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty mạo danh này, “mỗi ngày phải gọi tối thiểu 120 cuộc, 10 nhân viên trên một cơ sở sẽ có thông tin khách hàng không trùng nhau”. Hết “data” là có, tất cả những thông tin khách hàng như số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ cụ thể đều được cập nhật liên tục để công cuộc “chốt đơn” không bị rối loạn.
Nhân viên sẽ được hướng dẫn cách gọi điện chăm sóc khách hàng theo kịch bản tư vấn được phát sẵn. Tất cả câu hỏi có thể gặp phải đều được liệt kê và có câu trả lời sẵn, cứ thế theo kịch bản trả lời.
Những tờ kịch bản có sẵn các câu trả lời nếu bị khách hàng hỏi vặn. |
Theo người đào tạo hướng dẫn, nếu khách hàng thắc mắc về thông tin công ty, nhân viên sẽ tự xưng là “công ty trang sức đá quý T.A”, có đầy đủ thông tin trên website và fanpage. Thông tin của doanh nghiệp này có thật nên khách hàng dễ dàng tìm kiếm và có thể tin tưởng.
Khi khách hàng thắc mắc về thông tin của mình được lấy từ đâu, nhân viên phải giải thích rằng đang liên kết với bưu điện nên bưu điện gửi thông tin sang để tri ân. Việc mạo danh liên kết với bên nào cũng sẽ được thay đổi khi khách hàng đã quá quen với “kịch bản” cũ.
Bên cạnh đó, khi người được gọi băn khoăn về mức phí vận chuyển cụ thể, nhân viên sẽ giải thích rằng không rõ chính xác là bao nhiêu vì số phí do bưu điện quy định. Tùy thuộc vào tỉnh thành mà phí giao hàng sẽ từ 30.000 đồng – 55.000 đồng.
Cuối cùng, khi chốt lại đơn lần cuối, nếu khách hàng nhận thì đơn hàng sẽ được chốt và gửi đi sau 2-3 ngày. Trong trường hợp khách hàng không nhận, nhân viên phải hỏi được lý do cụ thể bởi ở mỗi lý do, nhân viên sẽ được học cách “thuyết phục” khác nhau sao cho khách đồng ý.
Nhân viên mới sẽ được quản lý hướng dẫn tận tình bởi những kịch bản có sẵn. |
Kịch bản có sẵn, mục tiêu của những người này là “chốt” thật nhiều đơn càng tốt. Càng nhiều người nhận thì càng được thưởng cao.
Và đồng nghĩa với đó, là số tiền thu được từ chênh lệch phí vận chuyển sẽ là nguồn thu chính để trả lương cho các nhân viên. Dù người nhận ở xa hay gần, phí vận chuyển được quy định là 53.000 đồng. Giá trị thực của món quà cùng với tên tuổi của các đơn vị uy tín chỉ được khẳng định qua lời quảng cáo.
(Theo Lao Động)