Vụ án vỡ đường ống nước sạch sông Đà – Hà Nội sắp được xét xử . Trong số các bị can bị VKSNDTC truy tố trong vụ án này, 4 bị can là thành viên Đoàn tư vấn giám sát thi công đang kêu oan.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, đường ống dẫn nước sông Đà – Hà Nội bị vỡ nhiều lần do chất lượng đường ống không đảm bảo |
Tại sao những thành viên của Đoàn giám sát lại vướng vào tố tụng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới tư vấn giám sát thi công xây dựng nói riêng, những người làm trong lĩnh vực xây lắp nói chung.
Liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TCty Vinaconex. Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cáo trạng của VKSNDTC đã quyết định điều tra, truy tố 09 bị can thuộc Ban Quản lý (BQL) dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội, Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Đoàn tư vấn giám sát (TVGS) thi công lắp đặt tuyến ống của Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase).
Hoàn thành tốt hợp đồng tư vấn giám sát...
Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội (gọi tắt là dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) có tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng trong nước và ngoài nước, vốn tự có của chủ đầu tư và nguồn vốn khác. Tuyến ống truyền tải nước sạch có giá trị quyết toán là 331 tỷ đồng, giá trị xây lắp tuyến ống là 122 tỷ đồng.
Trong quá trình đưa dự án hoàn thành vào khai thác sử dụng, từ ngày 04/02/2012 đến ngày 26/9/2015, tuyến ống truyền tải nước sạch làm bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh này đã bị vỡ 14 lần gây mất nước, thiếu nước sinh hoạt cho nhiều gia đình quận nội thành Hà Nội, gây thiệt hại về kinh tế và bức xúc cho dư luận xã hội.
Sau khi thực hiện công tác giám định, ngày 15/4/2015, Bộ Xây dựng kết luận nguyên nhân tuyến ống liên tục bị vỡ là do sự bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống, trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống không đảm bảo.
Kết luận điều tra và cáo trạng của VKSNDTC thể hiện, để thực hiện việc giám sát thi công xây dựng dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội, ngày 28/3/2006, BQL dự án và đại diện Viwase đã ký Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ để tổ chức thực hiện, và Viwase đã thành lập Đoàn TVGS thi công dự án gồm có 15 giám sát viên, do Đỗ Đình Trì làm Trưởng đoàn, Nguyễn Biên Hùng làm Phó trưởng đoàn. Trong số các thành viên còn lại có các ông Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân.
Theo thỏa thuận của Hợp đồng kinh tế số 18-2006 nói trên thì TVGS có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra về khối lượng thi công, chất lượng sản phẩm, chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật, tổ chức nghiệm thu theo quy định tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ và Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng.
Trên thực tế, các giám sát viên của Viwase đã hoàn thành đúng Hợp đồng số 18-2006 nói trên, giám sát thi công đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, bằng chứng là kết quả giám định của Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, sự cố xảy ra trên hệ thống dẫn nước sông Đà – Hà Nội là do chất lượng đường ống không đảm bảo, cũng xác định các đơn vị thi công xây dựng tuyến ống về cơ bản đã tuân thủ yêu cầu thiết kế dự án khi thực hiện, công tác thi công xây lắp không phải là nguyên nhân gây ra việc vỡ tuyến ống.
...vẫn bị truy tố do... không lạm quyền của chủ đầu tư (!?)
Điều 21 Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định - văn bản pháp luật mà TCty Vinaconex và Viwase viện dẫn khi ký Hợp đồng kinh tế số 18-2006 – quy định, nhà thầu TVGS thi công căn cứ vào thiết kế được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng để tổ chức giám sát thi công, tiến hành nghiệm thu chất lượng vật tư, vật liệu được sử dụng, nghiệm thu bộ phận công trình, giai đoạn thi công xây dựng, nghiệm thu hoàn thành từng hạng mục và hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.
Đối với công tác nghiệm thu chất lượng vật tư, vật liệu sử dụng trong công trình, pháp luật về xây dựng cũng quy định, TVGS và đơn vị liên quan phải tiến hành kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư, vật liệu trước khi xây dựng, lắp đặt theo yêu cầu của thiết kế, bao gồm: kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, kết quả thí nghiệm của các phòng thí nghiệm hợp chuẩn và kết quả kiểm định chất lượng thiết bị của các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đối với vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình trước khi đưa vào công trình xây dựng.
Thế nhưng, kết luận điều tra và cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TCty Vinaconex đã quy kết 4 giám sát viên là các ông Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân cấu thành tội phạm “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng của VKSNDTC cho rằng, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các giám sát viên chỉ kiểm tra ngoại quan ống, hồ sơ chứng nhận chất lượng sản phẩm do nhà thầu sản xuất cung cấp trước khi lắp đặt mà không lấy mẫu vật liệu để thí nghiệm kiểm tra, xác định chất lượng vật liệu, tính chính xác của chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về nhận định của các cơ quan tố tụng, Tiến sỹ Nguyễn Thành Tài - Phó Tổng Giám đốc Cty Viwase – cho rằng, nhận định nói trên của các cơ quan là quá nặng và không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các giám sát viên trong dự án này.
Theo ông Tài, Đoàn giám sát của Viwase đã thực hiện đúng trách nhiệm trong Hợp đồng kinh tế là “Theo dõi, kiểm tra về: Khối lượng thi công, chất lượng sản phẩm của từng hạng mục và toàn bộ công trình theo quy định quản lý chất lượng hiện hành” chứ không có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với chất lượng sản xuất đường ống do chủ đầu tư là TCty Vinaconex chỉ định thầu và cung cấp cho dự án.
“Các kỹ sư của chúng tôi là giám sát viên tại hiện trường, giám sát việc thi công lắp đặt tuyến ống chứ không có quyền giám sát chủ đầu tư trong việc lựa chọn mua công nghệ sản xuất đường ống, vật liệu cấu tạo đường ống, lại càng không thể giám sát quy trình sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh của Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex (gọi tắt là Viglafico)” – ông Tài nói.
Còn Luật sư Lê Ngọc Hà (VPLS Đa Phúc) cho rằng, căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, các kỹ sư TVGS của Viwase đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra và giám sát chất lượng đất, cát, sỏi, đá, xi măng... do nhà thầu thi công xây dựng công trình cung cấp.
Còn đối với ống cốt sợi thủy tinh do chủ đầu tư (đặt mua của Viglafico) cung cấp, kỹ sư TVGS hiện trường chỉ có thể kiểm tra bằng ngoại quan căn cứ vào hồ sơ chứng nhận chất lượng sản phẩm ống cốt sợi thủy tinh do Viglafico cung cấp, chứ họ không thể cắt mẫu làm thí nghiệm để kiểm định lại chất lượng vật liệu đường ống do chủ đầu tư cung cấp đã có hợp đồng riêng.
Ông Tài còn cho biết, trong quá trình thực hiện giám sát thi công dự án, theo phản ánh của Trưởng đoàn TVGS, nhóm kỹ sư TVGS của Viwase đã tham gia phát hiện ra 94 cây ống bị lỗi về chất lượng và đã không chấp nhận cho số ống lỗi được lắp đặt vào dự án để đảm bảo chất lượng toàn tuyến ống. “Trưởng đoàn TVGS của Viwase đã có văn bản trực tiếp gửi tới BQL dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội cảnh báo về vấn đề chất lượng kém của đường ống, nhưng đại diện chủ đầu tư là BQL dự án và các đơn vị liên quan đều không có ý kiến phản hồi gì” – ông Tài cho biết thêm.
Theo Báo Pháp luật