- Ly dị là “liều thuốc” cuối cùng của sự chịu đựng trong cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Sau khi ly hôn, có người thấy được giải thoát, có người đau khổ. Nhưng có lẽ đối tượng chịu tổn thương nhiều hơn là những đứa con. Nhiều đứa trẻ trở nên ngang bướng, buồn tủi và hay bi quan…

Trường hợp của gia đình chị Hà ở Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ điển hình về việc con bị tổn thương từ cuộc ly dị của bố mẹ. Sau khi ly hôn được ba năm, chị Hà đi bước nữa.

Từ ngày mẹ có chồng, con trai lớn của chị Hà ngày càng hư hỏng. Trước đây, cậu thường xuyên trốn tiết. Vào đại học được gần một năm, Dũng bỏ học rồi sa ngã vào cờ bạc, cắm xe, uống rượu, bỏ nhà đi như cơm bữa, yêu hết cô này đến cô khác nhưng lần nào cũng đau khổ, khóc lóc vì tình yêu. Thấy con trai lông bông nên chị Hà xin cho con vào làm công nhân trong công ty mình.

Giữa chị Hà và Dũng luôn xảy ra cãi vã vì những chuyện rất nhỏ trong gia đình như dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, tiền điện, tiền điện thoại. Có lần vì tức giận, chị Hà đã chửi Dũng không phải là con chị, rồi bắt Dũng đóng góp tiền ăn, trả tiền nhà.

Chồng mới của chị Hà không hề quan tâm đến hai con của vợ cũng như gia đình bên vợ. Cứ sáng là ông Mạnh ra khỏi nhà, tối mịt, chị Hà lại ra bến xe buýt đón chồng.

Dũng ngày càng ngang ngược, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi vài ngày không ai ngăn cản được. Dũng tâm sự cậu luôn cảm thấy đau khổ vì người mẹ keo kiệt và lạnh nhạt. Nhiều lần Dũng đi làm về mà không có cơm ăn. Những lúc như thế, Dũng chỉ nấu mỳ tôm hoặc nhịn ăn.

Dũng muốn tâm sự với mẹ chuyện công việc cũng như chuyện tình cảm thì chị Hà luôn vin cớ này cớ khác để nói bận. Dũng thất vọng tràn trề, quay sang quát mắng em hoặc bỏ nhà đi chơi điện tử. Gần đây, Dũng có người yêu mới nhưng lúc nào họ cũng cãi nhau. Dũng quản lý người yêu rất chặt chẽ về thời gian, đi đâu, làm gì và đi với ai.

Riêng cậu con trai thứ hai cứ xin tiền học, tiền sửa xe là lại bị mẹ mắng, chửi. Vào bữa cơm, hai cậu con trai cứ cắm cúi ăn cho xong bữa.

{keywords}
Ảnh minh họa: Internet

Khác với hoàn cảnh của Dũng, bố mẹ Huy ở Hà Đông, Hà Nội ly dị khi cậu vừa tròn 2 tuổi. Huy sống với ông bà ngoại, đến năm 18 tuổi thì đi bộ đội. Xuất ngũ, Huy về sống với mẹ. Huy tham gia vào một công ty đa cấp trong khoảng hơn 8 tháng với mức lương 0đ. Trong đầu Huy luôn có suy nghĩ là phấn đấu làm việc vì công ty để vươn tới mức lương 30.000.000đ/ tháng. Vài tháng sau công ty phá sản, Huy xin làm nhân viên bán hàng cho một công ty kinh doanh đồ nội thất cao cấp. Huy đi làm chăm chỉ và tự hào về khả năng kiếm tiền của mình. Cậu yêu rất nhiều, cũng chia tay nhiều nhưng chưa một lần nào cậu tỏ ra đau khổ vì tình yêu.

Được biết, người tình của mẹ Huy cũng sống chung với hai mẹ con cậu. Huy luôn tươi cười, hớn hở với mọi người nhưng đêm nào cậu cũng khóc. Huy đã từng đến gặp bác sĩ tâm lý: “Cháu luôn phải cố gắng tỏ ra mạnh mẽ và vui vẻ trước mặt người khác. Cháu sợ người ta coi thường cháu nên cháu không bao giờ tỏ ra yếu đuối hay đau khổ chuyện gì. Thật sự trong lòng cháu rất mệt mỏi và sợ hãi nhiều thứ”.

Câu chuyện của Nguyễn Thị Hoa, ở Đông Anh, Hà Nội có chút khác so với hai câu chuyện trên. Bố mẹ Hoa không ly dị mà ly thân ăn riêng, ở riêng dưới cùng một mái nhà. Bố mẹ Hoa thường xuyên cãi nhau về việc đóng góp tiền nuôi con vì gia đình Hoa có tới 7 anh chị em. Hoa kể: “Sống trong cảnh bố mẹ suốt ngày cãi nhau và nhìn nhau như kẻ thù thật sự rất đau khổ và mệt mỏi. Cháu không dám lấy chồng vì cháu sợ có cuộc sống hôn nhân như bố mẹ cháu. Cháu chỉ yêu chơi bời, chán thì chia tay. Cháu đã làm cho mấy người đau khổ, khóc lóc rồi. Cháu thấy vui vì điều đó, đàn ông phải đau khổ vì cháu”.

Theo các chuyên gia tâm lý việc bố mẹ ly dị có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm của con, đặc biệt là con trai. Con trai thường ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài hoặc chỉ thể hiện cảm xúc bằng hành động. Còn con gái thường dễ bộc lộ tình cảm ra bên ngoài. Các bậc phụ huynh sau khi ly hôn nên quan tâm nhiều hơn đến con. Điều quan trọng là cha/mẹ nên khéo léo trong cách cư xử hàng ngày để vun đắp tình cảm gia đình. Những tổn thương trong giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý sống và hôn nhân của con bạn sau này.

An Bình