Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết đang tính toán về số lượng nguyện vọng xét tuyển, xây dựng phần mềm quản trị dữ liệu dùng chung… cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Ông Mai Văn Trinh. Ảnh: Văn Chung |
Thi ở cụm địa phương lợi thế hơn thi cụm đại học?
Có ý kiến cho rằng việc tổ chức thi ở cụm địa phương sẽ dễ dàng hơn so với các cụm đại học. Điều này dẫn đến trường hợp sau khi thí sinh thi ở cụm địa phương đạt điểm cao sẽ suy nghĩ lại, lại nộp đơn xét tuyển vào đại học, và sẽ hưởng lợi thế. Ý kiến của ông về giả thiết này như thế nào?
- Hiện nay vẫn có những em thi đại học 26 điểm vẫn trượt. Vậy chúng ta có đặt câu hỏi là bất hợp lý không, có phàn nàn không? Đó là quyền tự chủ, ở mức điểm đó trượt đại học hay không là do các em tự lựa chọn.
Trong lịch sử thi cử từ năm 2014 trở về trước có trường hợp nào nhà nghèo không làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học không? Chắc chắn là có.
Nhưng sau khi có kết quả thi lại suy nghĩ lại muốn vào đại học thì chắc chắn là không được, trước đây và cả sau này.
Đăng ký xét tuyển là quyền tự chủ của thí sinh, nhưng phải sòng phẳng theo quy chế ngay từ đầu. Nên không thể đặt ra trường hợp thi ở cụm địa phương sau đó thấy điểm cao lại muốn đăng ký xét tuyển vào đại học.
Một kỳ thi không thể giải quyết được 100% nguyện vọng của thí sinh. Chỉ có thể đảm bảo quyền lợi cho các em bằng cách chủ động cung cấp thông tin sớm, để các em chủ động lựa chọn.
Vậy tại sao không giao luôn cho các trường ĐH tổ chức thi mà phải thêm các cụm thi tại địa phương do Sở chủ trì, thưa ông?
- Tư tưởng chính của kỳ thi quốc gia là kế thừa “3 chung”. Việc mở rộng các cụm thi địa phương là để hỗ trợ. Cụm thi ở địa phương không phải là chủ đạo, mà là hỗ trợ thí sinh, hướng đến nhu cầu của người dân chứ không phải khuyến khích thí sinh thi ở đó.
Với thí sinh thi ở cụm địa phương, con đường vào đại học chưa hết. Các em vẫn có thể đăng ký vào những trường đại học tuyển sinh riêng, cầm bằng tốt nghiệp đi nước ngoài du học.
Đang xây dựng phần mềm quản trị dùng chung
Các ông có đặt ra vấn đề khống chế số lượng nguyện vọng không, khi lãnh đạo một số trường đại học cho rằng sẽ có nhiều hồ sơ ảo nếu để thí sinh được thoải mái nộp hồ sơ xét tuyển?
- Về cơ bản, thí sinh có thể thi hết cả 8 môn để lấy điểm xét tuyển vào đại học.
Sẽ có không chỉ một đợt xét tuyển đại học. Số lượng nguyện vọng của thí sinh ở mỗi đợt sẽ được tính toán đủ lớn cho các em.
Chúng tôi đang thiết kế phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. Ngay sau ngày 9/9, nhóm thiết kế hệ thống này do tôi chủ trì đã bắt tay vào thực hiện. Dựa vào phần mềm này, việc sử dụng dữ liệu kỳ thi quốc gia đến mức độ nào là tùy thuộc mỗi đơn vị.
Việc chấm hàng chục nghìn môn thi tự luận, đặc biệt là môn Văn bởi đây là môn thi bắt buộc để công nhận tốt nghiệp, liệu có khiến các cụm thi gặp khó về mặt thời gian?
- Theo dự tính của Bộ GD-ĐT thì tối đa mỗi cụm thi chỉ có tối đa 50.000 thí sinh tham dự. Bộ chắc chắn sẽ không để thí sinh tập trung quá đông về một cụm thi do các trường ĐH chủ trì, không vượt khỏi tầm tổ chức của các trường đại học.
Nếu như ở kì thi “3 chung” thì đến tận 16/7 mới kết thúc kì thi tuyển sinh, sau đó các trường mới tiến hành chấm thi, thì kì thi THPT quốc gia kết thúc vào trung tuần tháng 6. Điều này có nghĩa là các trường có thêm hơn 1 tháng so với trước đây để tổ chức chấm thi, nên chắc chắn sẽ không cập rập về thời gian.
Ảnh: Văn Chung |
Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Theo ông, những khó khăn sẽ gặp phải của kỳ thi này là gì?
- Tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ có một số khó khăn. Thứ nhất, việc tổ chức thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày đối với từng đợt thi từ năm 2014 trở về trước. Nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức thi được rút ngắn.
Thứ hai, những cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên, giảng viên và các trường sẽ nỗ lực cố gắng khắc phục những khó khăn này, dành phần thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình.
Vậy còn những băn khoăn về vấn đề coi thi, chấm thi, mặt bằng chung về điểm số giữa các cụm thi… thì sao, thưa ông?
- Chúng ta đang xét nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 từ khắp các cụm thi trong cả nước đấy thôi. Hiện nay, các trường đại học đang tổ chức thi cho họ. Sắp tới là kỳ thi quốc gia, trách nhiệm của các trường còn cao hơn khi tự tổ chức thi cho mình. Vì vậy, tôi cho rằng độ tin cậy của kết quả thi còn cao hơn.
Với các cụm thi do sở chủ trì, nếu điểm cao bất thường và trong sự so sánh với học sinh của chính Sở đó đự thi tại các cụm do trường đại học tổ chức, thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.
Hơn lúc nào hết chúng ta phải có niềm tin vào đội ngũ nhà giáo. Cán bộ giảng viên đi coi thi trách nhiệm rất lớn chứ không phải để lấy tiền bồi dưỡng.
Ở đây, niềm tin không phải là duy ý trí mà trong không gian quản lý. Những cá nhân, hiện tượng làm xói mòn niềm tin sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm.
Điều căn bản, quan trọng nhất vẫn là tổ chức dạy học trong nhà trường. Đổi mới thi cử nhằm đánh giá chính xác hơn, ghi nhận quá trình phấn đấu để dạy học cho tốt.
Xin cảm ơn ông.
- Ngân Anh