Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong phiên chất vấn vừa qua. 

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây liên quan đến lĩnh vực Bộ VHTTDL đang quản lý, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề liên quan đến tình trạng xuống cấp đạo đức, dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Trong phiên chất vấn ngày 10/8, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng liên quan đến lĩnh vực Bộ quản lý, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, đạo đức. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu tình trạng hiện nay, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả ở trong gia đình. Đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ trong ngành văn hóa cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Văn hóa về vấn đề này như thế nào. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ cũng đã nhìn nhận được vấn đề này song để khắc phục vấn đề phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Theo Bộ trưởng, về mặt chủ trương đã có đầy đủ và gần đây Bộ cũng đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, đặt ra các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên không có một chế tài nào cụ thể mà chỉ trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là một cuộc cách mạng có tính chất lâu dài. Với tinh thần khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, các gia đình văn hóa với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", từ đó để tuyên truyền, nhân lên những hình ảnh đẹp trong các cộng đồng.

Tổ chức những trò chơi phản cảm thì sẽ bị xử lý nghiêm túc

Về câu hỏi giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội ra sao từ đại biểu Lê Hoàng Anh, người đứng đầu ngành văn hóa cho hay: "Vấn đề xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa thì xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, phải có trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi hình thành được môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và hạn chế được sự xuống cấp của vấn đề đạo đức".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu, nhưng chưa được giải quyết và đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành văn hóa để giải quyết thực trạng này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định văn hóa là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Trong đó, Bộ VHTTDL thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thời gian qua, Bộ chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa thông qua công cụ pháp luật. Bộ cũng chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra.  

Hình ảnh phản cảm của hoạt động team building mới đây tại Cửa Lò. 

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lên tiếng phê phán hoạt động team building phản cảm gần đây khi nhận câu hỏi từ đại biểu Nguyễn Quốc Hận muốn biết quan điểm của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. "Chúng tôi không khuyến khích và sẽ kiểm tra trong các công ty du lịch, nếu trường hợp nào đứng ra tổ chức những trò chơi phản cảm thì sẽ bị xử lý nghiêm túc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phối hợp xây dựng văn hóa trong nhiều bộ ngành

Đại biểu Tráng A Dương nêu hiện trạng biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc và muốn biết Bộ VHTTDL sẽ làm gì để chấn chỉnh tình trạng trên.

Về việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra từ các tin sai sự thật trên mạng xã hội. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ký kết với Bộ Giao thông vận tải về xây dựng văn hóa giao thông; ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến xây dựng văn hóa học đường; với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động.

Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng vướng bê bối bị một thiếu nữ Anh tố tấn công tình dục tại Tây Ban Nha hồi tháng 6. 

Trước đó, ngày 13/12/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ngày như một biện pháp giám sát, chấn chỉnh hành vi của người nổi tiếng. 

Mục đích của quy tắc này là xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bản quy tắc này áp dụng cho hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng, khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, báo chí, truyền thông và không gian mạng, đặc biệt là đối tượng người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Đây là những giải pháp tổng thể nhằm xây dựng lối sống văn hóa, ngăn ngừa và giảm thấp sự xuống cấp đạo đức trong xã hội mà ngành Văn hóa đã và đang thực hiện. Tuy nhiên điều này cần có sự chung tay chung sức của nhiều bộ ngành và cao hơn là cả xã hội, trong đó mỗi người cần phải rèn luyện và hoàn thiện lối sống của mình để trước hết từng tế bào trong xã hội phải là những người đạo đức. 

Như Quỳnh, Hồng Hạnh, Nguyễn Doanh