- Nếu cơ chế cho phép hỗ trợ ở mức như Chính phủ Campuchia thì chắc chắn người dân có thể sáng tạo ngay trên quê hương mình - Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân chia sẻ với báo chí bên hành lang QH ngày 17/11.

- Chuyện hai cha con ông Trần Quốc Hải sửa thiết giáp ở Campuchia được phong Đại tướng quân và thưởng lớn đang được công chúng rất quan tâm. Theo Bộ trưởng, tại sao những người có khả năng như vậy không thể sáng tạo và cống hiến ngay trên đất nước mình?

Sự sáng tạo dù của nhà khoa học hay người dân bình thường đều đáng trân trọng, vấn đề là sự sáng tạo ấy có thị trường hay không. Nếu có thị trường, có sự đặt hàng, những sáng tạo ấy có khả năng được áp dụng, ứng dụng và trở thành sản phẩm của xã hội.

Trong lĩnh vực quốc phòng, sửa chữa thiết bị, xe máy là việc rất quan trọng. Tôi cảm nhận là các nhà máy công nghiệp quốc phòng của chúng ta đều đang làm rất tốt, chưa có nhu cầu đặt hàng từ những người dân.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Quân. Ảnh: Minh Thăng

Chính sách của ta trong lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập. Chính phủ từ năm 2013 đã có nghị định về sáng kiến, nhưng do vướng mắc về hệ thống luật pháp mà nguồn lực để hỗ trợ sáng kiến, sáng tạo của người dân là rất khó khăn. Chưa có điều khoản nào trong các văn bản luật pháp cho phép các cơ quan nhà nước dùng ngân sách hỗ tr trực tiếp cho người dân, phải trông vào xã hội hóa.

Nếu cơ chế cho phép Nhà nước hỗ trợ ở mức như Chính phủ Campuchia thì chắc chắn người dân của ta có thể sáng tạo ngay trên quê hương mình.

Tỉ lệ tiến sĩ làm khoa học không cao

- Vậy Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc nước ta có đầy đủ hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu, số lượng giáo sư, tiến sĩ rất nhiều, nhưng nhiều sáng tạo thực sự gắn với đời sống lao động sản xuất lại đến từ những người nông dân không bằng cấp?

Ta phải nhìn nhận vô cùng khách quan là có rất nhiều sản phẩm được ứng dụng thành công mà không được để ý. Các nhà khoa học của chúng ta đã làm được rất nhiều sản phẩm có giá trị cho đất nước. Như hệ thống vắc-xin, VN là 1 trong 4 nước trên thế giới làm được vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy.

Hay chúng ta đang làm chủ việc thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng 90 mét nước và 120 mét nước tiêu chuẩn quốc tế, đã hạ thủy thành công, trở thành một trong 3 quốc gia châu Á làm được điều đó.

Những thành công của người dân không bằng cấp được đề cập nhiều hơn. Đấy là điều đương nhiên phải khuyến khích. Không phải Chính phủ hay các bộ không quan tâm, mà cơ chế chưa phù hợp để hỗ trợ họ tối đa.

Số lượng giáo sư, tiến sĩ của VN có phải nhiều nhất khu vực không còn phải thực chứng, nhưng chắc chắn trong số 25.000 tiến sĩ, tỉ lệ người làm khoa học không cao, thực sự làm khoa học thì còn ít nữa, nhiều người đã chuyển sang làm quản lý, doanh nghiệp…

Tôi cũng xin khẳng định, nhiều người nông dân tuy không bằng cấp nhưng thực sự là những nhà khoa học. Vì có nhiều người nghiên cứu, đam mê nhiều hơn cả những người có bằng cấp.

- Nhưng họ lại phản ánh là không được khuyến khích, tạo điều kiện, thậm chí bị gây khó khăn. Ví dụ những người tự chế tàu ngầm bị cản trở khi đem đi thử nghiệm.

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, người dân muốn làm gì nên hợp tác với cơ quan khoa học, quản lý. Nếu chỉ làm tàu ngầm cho gia đình, để trong ao, hồ nhà mình thì không ai ngăn cản. Nhưng đem ra thử nghiệm ngoài biển, hoặc chế tạo máy đem thử nghiệm trên trời, chắc chắn phải có sự cho phép của cơ quan quản lí nhà nước, vì liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân và chính người chế tạo, chưa kể vấn đề an ninh quốc phòng của quốc gia.

Họ nên hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lí, khoa học từ đầu. Thiết bị, máy móc phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn, nếu là phương tiện giao thông thì phải đăng kiểm. Đấy là điều bắt buộc.

Các cơ quan muốn cấp phép thì phải căn cứ theo tiêu chuẩn, đăng kiểm để khẳng định mức độ an toàn. Nếu hợp tác ngay từ đầu, các chuyên gia có thể kiểm định từ thiết kế cho đến từng mối hàn, thiết bị, mới có thể xác nhận để cấp phép, đăng kiểm.

Do ngân sách hiện dành cho việc này gần như không có, nên nhiều khi người dân đến các cơ quan nhà nước mong tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính thì không đạt được, thất vọng không tìm đến nữa. Nhưng bà con phải hiểu rằng, hỗ trợ tài chính chỉ là một phần, điều quan trọng là hỗ trợ về chính sách, về những quy định quản lí, để sản phẩm của bà con có có thể được cấp phép và lưu hành.

- Nhưng thực tế ngân sách dành cho khoa học công nghệ hàng năm đều dùng không hết, cớ gì không đầu tư cho những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như vậy của người dân?

Trước đây việc sử dụng phần ngân sách này phải được lập kế hoạch, cái gì không đúng dự toán thì không chi được, mà sáng kiến của người dân thì nảy sinh đột xuất.

Luật Khoa học Công nghệ sửa đổi có một điểm mới là cơ chế quỹ, tức là dự toán ngân sách sau khi được QH phê chuẩn sẽ được Chính phủ giao cho các quỹ về khoa học công nghệ. Khi có nhiệm vụ, đề tài, hay thiên tai dịch bệnh, hay sáng kiến của người dân… nảy sinh bất kì thời điểm nào đều có thể cấp phát kinh phí để triển khai ngay, không phải chờ năm sau. Chờ đợi thì người dân chán nản, các nhà khoa học cũng thấy đề tài của mình lạc hậu.

Hiện nghị định về sáng kiến nói trên vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn.

Nhà khoa học VN đâu phải toàn tiến sĩ giấy

Những nhà khoa học đổ mồ hôi, dồn trí tuệ trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học, làm được rất nhiều cho đất nước, nhưng luôn bị mang tiếng “mấy chục ngàn tiến sĩ không bằng mấy bác nông dân”. Tôi không muốn xã hội hiểu thiên lệch như vậy. Những người làm khoa học của chúng ta không phải toàn tiến sĩ giấy, vô dụng, bất tài.

Người dân có sáng tạo, sáng kiến cũng nên hợp tác với các nhà khoa học, để cùng tạo ra sản phẩm cho xã hội. Chứ bây giờ mạnh ai người nấy làm và trách móc lẫn nhau.

C.Hoàng - T.Vũ ghi