Để thực hiện nối mạng liên thông các nhà thuốc, Cục Quản lý Dược đã cập nhật hơn 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế.
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trên toàn quốc hiện có 41.394 cơ sở bán lẻ dược phẩm, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, hiện tất cả BV công lập, BV tư nhân đã thực hiện kê đơn trên máy tính liên thông với nhà thuốc BV, tuy nhiên chưa thể kiểm soát việc kê đơn của các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược |
Để siết hoạt động kinh doanh thuốc của các đối tượng này, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”. Một trong những nội dung quan trọng trong đề án là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ dược phẩm nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc.
Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thành tập huấn triển khai thí điểm phần mềm tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hưng Yên.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2018, toàn bộ hệ thống nhà thuốc BV và các tủ thuốc trạm y tế xã sẽ được kết nối liên thông.
Năm 2019, ngành y tế sẽ kết nối các quầy thuốc để hoàn thành liên thông quản lý toàn bộ hệ thống thuốc trên toàn quốc.
Chỉ được bán thuốc trên phần mềm
Để thực hiện nối mạng liên thông các nhà thuốc, Cục Quản lý Dược đã phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật hơn 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế, đồng thời tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác nhau.
Cục Quản lý Dược cho biết, tất cả nhà thuốc tại BV công lập, BV tư nhân đã thực hiện kê đơn trên máy tính liên thông |
Khi đó, chỉ những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. Như vậy vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh được thuốc giả và thuốc kém chất lượng tràn vào, vừa kiểm soát được giá thuốc.
Phần mềm này cũng sẽ quản lý được việc bán và dùng kháng sinh bừa bãi của người bán lẫn người mua thuốc. Đặc biệt giúp hạn chế được tình trạng một người bán hàng chỉ có trình độ sơ cấp hay trung cấp dược mà tự ý tư vấn bán thuốc kháng sinh cho người mua, theo kiểu gợi ý đổi loại thuốc, tên thuốc vì cửa hàng mình không có loại kháng sinh đã kê đơn như hiện nay.
Về phía người sử dụng, khi mua thuốc cũng có thể truy cập để biết được thuốc mua có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và cách dùng như thế nào.
Liên quan tới công tác giám sát, kiểm tra, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng... Các nhà thuốc nào không chấp hành việc nối mạng là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.
T.Thư