- Trước bảng điểm tổng kết đẹp rực rỡ của các con vào cuối năm học, nhiều bậc phụ huynh không những không vui mà cảm thấy lo lắng rõ rệt.
|
Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh |
Con chỉ giỏi học vẹt?
Câu chuyện mẹ xin cho con từ xuất sắc xuống loại khá là một trường hợp hiếm có và khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ lại về tấm giấy khen học sinh giỏi, xuất sắc mà con nhận được. Bà mẹ có con đang học lớp 4 này cho biết con thường mắc những lỗi ngớ ngẩn khi làm bài tập, vì thế khi đi thi bài của con bị trừ điểm. Nếu theo kết quả này, con sẽ không được học sinh xuất sắc.
Thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm đã mang bài thi của con lên kiện ban giám hiệu để "giành giật" lại 0,75 điểm cho học sinh của mình. Kết quả là con chị vẫn nhận 2 điểm 10 môn Toán, Tiếng Việt và nhận giấy khen học sinh xuất sắc.
Không đồng tình với sự chiếu cố của cô, người mẹ này đã đề nghị cô trừ điểm bài của con theo đúng quy định để cháu rút kinh nghiệm cho những lần sau. Theo chị, chính sự nâng đỡ này sẽ làm hại cháu sau này.
Tuy nhiên không phải ông bố bà mẹ nào cũng có quan điểm như của bà mẹ trên, mà vẫn còn rất nhiều phụ huynh mang tâm lý "tiếc gì các cháu tấm giấy khen" hay "chiếu cố để lần sau cố gắng".
Một câu chuyện khác ở một trường tiểu học thuộc TP.HCM lại cho thấy một phản ứng khác từ phụ huynh khi con em mình nhận kết quả không bằng bạn bằng bè.
Khi biết con mình đạt học sinh tiên tiến, vị phụ huynh nọ tức tốc lên phòng ban giám hiệu bày tỏ bức xúc vì con mình chỉ đạt học sinh tiên tiến thì... nhục quá!
Mặc dù đã được các thầy cô giải thích kết quả phù hợp với lực học của cháu nhưng chị vẫn nhất quyết không chấp nhận và cho rằng kết quả này sẽ khiến chị không còn mặt mũi nào để nhìn ai. Có lẽ chính tỷ lệ học sinh giỏi, xuất sắc hiện nay quá cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến vị phụ huynh này không thể chấp nhận được chuyện con mình bị liệt vào số ít "cá biệt".
Anh Trần Bình có đưa ra một nguyên nhân có thể cảm thông khiến phụ huynh vẫn rất cần danh hiệu học sinh giỏi, đó là là để làm đẹp hồ sơ xét tuyển vào lớp 6. "Con tôi lên lớp 5 phải có hồ sơ đẹp để vào lớp 6. Nếu cô giáo không cho cháu điểm giỏi, tôi xin chuyển trường khác. Để giữ học sinh, trường nào chấm chặt là dại. Hiệu trưởng là vua, giáo viên nào không đảm bảo chỉ tiêu nhà trường giao thì sang năm khó đứng lớp. Thế thì giáo viên đói, dại gì. Cho ít giỏi tốt cho ai chả biết nhưng xấu cho GV, vả lại phụ huynh không thích".
Nói đến chuyện đi học, chấm điểm ở trường học hiện nay, nhiều phụ huynh cho rằng cách đánh giá như hiện nay là sai lầm. Đi học mà đến 80-90% học sinh giỏi thì còn gì để các cháu cố gắng, khiến bọn trẻ sẽ ngộ nhận về khả năng của mình.
"Ngày xưa đi học, mỗi lớp chỉ có tối đa 3 đến 5 em nhận giấy khen cuối năm nên ai cũng quý tờ giấy khen và hãnh diện. Còn bây giờ mỗi học kỳ đều có giấy khen và một lớp có gần 90% em được khen nên tờ giấy khen bây giờ cũng mất giá trị" - anh Nguyễn Trung nhận xét.
Một số phụ huynh cảm thấy thực sự hoang mang khi cầm tấm giấy khen của con. Như chị Giang có con đang học tiểu học chia sẻ: "Không hiểu sao học sinh tiểu học giờ đều có thành tích học tập rất tốt . Cháu nhà tôi hiện đang học lớp hai vừa rồi đi họp phụ huynh cả lớp có 37 học sinh thì có 30 bạn học sinh giỏi, 6 tiên tiến và 1 trung bình nhưng xem bài kiểm tra của con thì phát hiện ra con làm sai một phép tính nhưng cô giáo vẫn chấm đúng. Tôi lại phải nói với cô giáo xem lại bài của cháu. Sau hôm đi họp về tôi lại cảm thấy lo hơn là mừng".
Cùng tâm trạng, chị Thanh Mai cho biết điểm tổng kết của con trên 9 phẩy mà chị không thấy vui. "Cứ thấy chông chênh sao ấy. Chẳng biết thực sự con mình đang ở đâu".
Chị Thu Hương có cháu đạt học sinh giỏi cùng với 60/64 cháu khác trong lớp thì cho biết lúc đầu cũng rất tự hào nhưng khi kiểm tra các bài tương tự đề thi thì cháu không làm được.
Anh Quốc Hưng cho biết trước con anh học cấp 1, vì chữ không đẹp nên không đạt học sinh giỏi, nhưng anh không bận tậm lắm và động viên con phải học thật, chữ viết đúng, đủ nét là được. Hết cấp thì con anh đạt giải nhất tin học cấp tiểu học của tỉnh. Anh thực sự vui mừng và tự hào vì sự say mê của cháu với môn học này.
1 học sinh khá, cô vẫn bị phê bình
Trong khi phụ huynh lo lắng thì nhiều giáo viên cũng lên tiếng. Một thầy giáo dạy THPT ở Phú Yên chia sẻ rằng sau khi có kết quả thi học kỳ 2, đích thân hiệu trưởng đã lệnh cho các giáo viên cộng cho mỗi bài thi môn Lý và môn Văn 1 điểm. Mặc dù kết quả là 70% học sinh đạt điểm trên trung bình nhưng lãnh đạo trường vẫn muốn thành tích cao hơn nữa.
Một ông bố tên Huy tỏ ra thông cảm với các cô khi kể chuyện lớp con anh có 35 em thì đến 34 em giỏi, còn 1 em khá. "Nhưng cô giáo chủ nhiệm vẫn bị trường phê bình. Tụi nhỏ giờ toàn là thần đồng" - anh hài hước.
Một giáo viên có kinh nghiệm khẳng định, trong mỗi lớp luôn có các mức: học xuất sắc (không quá 5%), học giỏi (không quá 15%), học khá (không quá 40%), còn lại là học trung bình khá, trung bình và yếu. Có thể mỗi cá nhân có một vài môn xuất sắc nhưng không thể có tất cả các môn giỏi và xuất sắc được.
Cô giáo Bích Phượng tâm sự rằng không phải giáo viên nào cũng muốn chạy theo thành tích như vậy, mà các cô cũng phải chịu sức ép từ nhiều phía: "Khi nào các bạn là giáo viên các bạn sẽ hiểu! Muốn trung thực cũng cực kỳ khó, cuối năm mà học sinh không đạt theo chỉ tiêu là mệt rồi, hết người này đến người khác làm phiền. Học sinh thì không lo học mà cuối năm thầy cô giáo phải đi xin điểm từng môn cho đủ điều kiện lên lớp (và đạt chỉ tiêu) không thì khó mà yên thân. Buồn vô cùng các bạn à!"
Phụ huynh Nguyễn Trường Giang cho rằng điều chúng ta cần là nhà trường đánh giá đúng học lực của các em. Là phụ huynh, chúng ta phải hướng tới điều đó. Những con số ảo sẽ đem lại hậu quả rất lớn cho các em trong tương lai. Các em cứ luôn nghĩ mình giỏi và không nỗ lực trong học tập. Các bậc phụ huynh lại phải tốn thêm thời gian tiền bạc để bù đắp những thiếu sót về kiến thức cho con em mình. Tại sao chúng ta lại làm như vậy? Hãy đấu tranh để mang về những điểm số thực cho các em. Đó là vì tương lai của các em, và cũng là tương lai của đất nước sau này. |
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)