Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã chuyển mình ngoạn mục từ một doanh nghiệp bị coi là “gánh nặng” sang một doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Không dừng ở đó, doanh nghiệp nhà nước này còn đang hướng tới mục tiêu trở thành một doanh nghiệp công nghệ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số.
Từ “gánh nặng” đến cán mốc tỷ đô trước hạn 2 năm
Hơn 10 năm trước, mảng bưu chính bị coi là “gánh nặng” vì Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) luôn phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhiều người ví bưu chính giống như con tàu cũ kỹ đang chở quá tải hơn 4 vạn cán bộ nhân viên, có thể chìm bất cứ lúc nào, buộc phải cắt dây để tàu khác tránh bị chìm theo. Đặc biệt, mảng bưu chính công ích không doanh nghiệp bưu chính trong nước nào chịu đảm nhận vì “làm chỉ có lỗ”.
Tháng 11/2012, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tách khỏi Tập đoàn VNPT và chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT. Nhiều người không khỏi lo lắng cho tương lai của doanh nghiệp này.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tách khỏi VNPT để “tự bơi”, vật lộn với cải tổ bộ máy, triển khai hoạt động theo mô hình tổ chức mới trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Vietnam Post đã có những kết quả kinh doanh khả quan khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Từ chỗ lợi nhuận âm, Nhà nước phải hỗ trợ ngân sách, đến năm 2018, Vietnam Post đã “cán đích” trước hạn 2 năm kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, với tổng doanh thu đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Nhiều năm liền doanh nghiệp này giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 20-25%/năm. Đây là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường bưu chính cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.
Nhân tố quan trọng của nền kinh tế hiện đại
Hệ thống dây chuyền khai thác chia chọn hàng hóa tự động của Bưu điện Việt Nam. |
Khoảng 10 năm trở lại đây, lĩnh vực bưu chính có sự dịch chuyển khá lớn. Các doanh nghiệp bưu chính truyền thống có sự chuyển dịch sang mô hình doanh nghiệp logistic để đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng thương mại điện tử. Bưu điện Việt Nam cũng nhanh chóng nhập cuộc theo xu thế chung.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quốc Vinh, thành viên Hội đồng Thành viên Vietnam Post cho biết: “Bưu điện Việt Nam đã thuê tư vấn, xác định rõ các phân khúc của lĩnh vực logistic để tiến hành chuyển đổi, trước mắt tập trung vào logistic chặng cuối cho thương mại điện tử”.
So với các doanh nghiệp bưu chính khác, ưu thế của Vietnam Post là mạng lưới ứng dụng CNTT chuyên ngành lớn nhất Việt Nam, với tổng số gần 40.000 máy tính kết nối mạng, hơn 10.000 điểm kết nối mạng online, tổng số lượng người dùng là hơn 30.000 cán bộ nhân viên có hợp đồng chính thức. Bên cạnh đó là hệ thống smartphone trang bị cho bưu tá để thông tin kịp thời các hoạt động, dữ liệu chuyển phát.
Trong chiến lược chuyển đổi kinh tế số, Bưu điện Việt Nam đã tập trung ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực như: Chuyển đổi chi trả lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội từ phương thức thủ công sang chi trả qua thẻ; Hợp tác với một số ngân hàng để tới đây cung cấp giải pháp ví điện tử, giúp cho việc thanh toán và điều phối dòng tiền một cách kịp thời, bảo đảm chất lượng...
Luôn xác định mình là cánh tay nối dài của các cấp chính quyền cũng như một phần động lực để phát triển kinh tế - xã hội, ngoài sự phát triển trong nội bộ, Vietnam Post còn nỗ lực tạo ra môi trường, hệ sinh thái để các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia và phát triển trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Ví dụ sàn giao dịch vận tải là phương thức mới, minh bạch hóa, giúp Vietnam Post giảm chi phí, đồng thời giúp các công ty vận tải khác cũng tham gia được vào hoạt động vận tải bưu chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Hoặc Bưu điện Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng Bản đồ số trong Hệ tri thức Việt số hóa, xây dựng hệ thống mã địa chỉ bưu chính tới từng địa chỉ hộ gia đình. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Vietnam Post đã tổ chức thu thập 23,4 triệu địa chỉ trên toàn quốc, đồng thời thực hiện ghép nối các dữ liệu để đưa lên bản đồ, đưa bản đồ vào phục vụ cuộc sống.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn sử dụng dịch vụ bản đồ số do một số công ty nước ngoài cung cấp do chưa có bản đồ số “make in Việt Nam”. Việc có sản phẩm bản đồ số do người Việt làm chủ rất quan trọng đối với vấn đề an ninh quốc gia, nhất là chủ quyền trên không gian mạng. Chính vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với Ban Chỉ đạo của Hệ tri thức Việt số hóa tiếp tục triển khai và hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ mở rộng thêm tính năng cho các doanh nghiệp khác cùng sử dụng bản đồ số do Việt Nam làm chủ”, ông Nguyễn Quốc Vinh nhấn mạnh.
Tham gia sâu vào triển khai Chính phủ điện tử
Trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bưu điện Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào việc cung cấp dịch vụ hành chính công và các giải pháp Chính phủ điện tử. Điển hình là việc tham gia một số dự án lớn của Chính phủ như xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm y tế hộ gia đình (hiện có dữ liệu của 24 triệu hộ gia đình), Cổng thông tin điện tử về mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (đã thu thập được hình ảnh, thông tin của hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, gần 1 triệu mộ liệt sĩ), Cơ sở dữ liệu về địa chỉ nhân đạo trên toàn quốc (hiện đã cập nhật được gần 20.000 địa chỉ nhân đạo trên toàn quốc), bắt đầu triển khai hệ thống xác thực định danh PostID...
Đặc biệt, trong lĩnh vực hành chính công, chỉ tính riêng năm 2019, hơn 14 triệu lượt hồ sơ của người dân và doanh nghiệp đã được giải quyết và thực hiện theo phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vinh bày tỏ: “Nếu Chính phủ chuyển đổi nhanh thì sẽ thành Chính phủ điện tử, nhưng còn nhiều người dân chưa có điều kiện thuận lợi (đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa) để thành công dân điện tử. Chính vì vậy, vẫn cần đầu mối trung gian là mạng bưu chính công cộng cùng đội ngũ người bưu điện đứng ra giúp người dân thực hiện việc truy cập và hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương. Bên cạnh đó, khi các dịch vụ này vẫn đòi hỏi hồ sơ giấy tờ cần chuyển phát, hoặc cần thu lệ phí mà người dân chưa có tài khoản ngân hàng thì mạng lưới bưu điện sẽ hỗ trợ”.
Hướng tới mô hình doanh nghiệp công nghệ
Trong một buổi làm việc mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu Bưu điện Việt Nam phải trở thành một doanh nghiệp công nghệ. Đây là nhu cầu tất yếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, bây giờ Chính phủ nói đến tầm chuyển đổi số quốc gia thì các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước không thể nằm ngoài xu hướng đó.
“Thực ra, trong mấy năm vừa rồi, chúng tôi đã chủ động theo xu hướng này và đã làm được một vài việc. Ví dụ như đã phê duyệt được kiến trúc CNTT, chiến lược chuyển đổi số cho Bưu điện Việt Nam. Tuy nhiên vẫn hơi thiếu tự tin. Sau khi Phó Thủ tướng rồi Bộ trưởng xuống làm việc, có chỉ đạo, định hình rõ hơn thì chúng tôi càng quyết tâm hơn và tin tưởng hơn”, vị lãnh đạo của Vietnam Post bày tỏ.
Cũng theo lãnh đạo Vietnam Post, quan trọng nhất bây giờ là làm thế nào để hiện thực hóa các kế hoạch. Doanh nghiệp nhà nước luôn phải tuân thủ các quy chế của Nhà nước, trong khi đó, một số lĩnh vực mới chuyển sang kinh doanh trên dữ liệu thì việc hạch toán, kế toán, các thủ tục đầu tư đòi hỏi theo phương thức mới.
“Rất mừng là cả Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đều đã chỉ đạo rằng đối với những lĩnh vực mới đó thì nên làm theo phương thức tiếp cận mới là startup. Chính phủ và Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn cơ chế sand box để mạnh dạn thí điểm không theo quy định ở những phạm vi nhất định, trong lĩnh vực nhất định và thời gian nhất định. Rất mong sớm có quy chế, hướng dẫn đó để Bưu điện Việt Nam ứng dụng khi chuyển đổi số”, ông Nguyễn Quốc Vinh nói.
Dự kiến sắp tới, bên cạnh những dịch vụ truyền thống, doanh nghiệp bưu chính nhà nước lớn nhất Việt Nam sẽ định hình một số mảng dịch vụ có thể tự động tạo doanh thu, ví dụ như kinh doanh cơ sở dữ liệu, khai thác dữ liệu lớn từ các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương để phân tích, tổng hợp nhằm tạo dịch vụ giá trị gia tăng khác cho người dùng, xã hội...