Hàng loạt thương vụ đại gia Thái Lan nhắm tới các DN hàng đầu của Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực làm ăn rấy lên lo ngại về khả năng DN trong nước mất vị thế trên thị trường nội địa.
Ồ ạt tấn công
Theo tờ Wall Street Journal, Công ty Thai Beverage Pcl. (ThaiBev) của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi vừa tiếp cận Chính phủ Việt Nam để đề xuất mua lại cổ phần Sabeco - DN đầu ngành sản xuất bia và nước giải khát tại Việt Nam với khoảng 40-50% thị phần tiêu thụ bia toàn quốc.
Cũng theo nguồn tin này, ThaiBev định giá Sabeco 2 tỷ USD và đang nhắm tới DN bia lớn nhất Việt Nam này sau khi Chính phủ có kế hoạch bán khoảng trên 50% cổ phần cho một hoặc một vài nhà đầu tư chiến lược..
Thông tin này gây xôn xao giới đầu tư bởi vừa hồi tháng 8, Công ty Berli Jucker của tỷ phú người Thái này đã bỏ gần 900 triệu USD để mua lại hệ thống 19 đại siêu thị Metro trên khắp Việt Nam. Trước đó, BJC cũng đã mua cổ phần Family Mart Nhật Bản trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành B'mart. Các DN của tỷ phú Thái này cũng đã mở hàng loạt DN sản xuất giấy, thủy tinh, lon nước giải khát... tại Việt Nam.
Tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi |
Như vậy, sau lĩnh vực nông nghiệp với cú tấn công vào thị trường thức ăn gia súc, giống gia cầm của “cá mập” CP và cú lấn sân trên thị trường bán lẻ, giới đầu tư đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các DN Thái trong lĩnh vực thực phẩm, sữa, đồ uống. Bên cạnh đó, các tập đoàn Thái còn nhắm tới một số lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng…
Hồi cuối năm 2012, một tỷ phú Thái khác - Kan Trakulhoon, ông chủ Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) mua lại 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group - nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam với giá khoảng 240 triệu USD để trở thành công ty gạch lớn nhất thế giới.
Ông lớn SCG còn đầu tư vào một số DN vật liệu xây dựng khác của Việt Nam như Xi măng Bửu Long, nắm giữ hàng chục phần trăm tại 2 DN nhựa lớn nhất Việt Nam là Tiền Phong và Bình Minh...
Tỷ phú người Thái Kan Trakulhoon đã mua lại 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group |
Thông tin về siêu dự án 22 tỷ USD do một tập đoàn Thái đưa ra, muốn đầu tư vào Bình Định trong lĩnh vực dầu khí cũng khiến dư luận ngỡ ngàng bởi quy mô lớn nhất từ trước tới này.
Cơ hội cho “ngoại”, thách thức đối với nội?
Hàng loạt các vụ đổ bộ ồ ạt của DN các nước trên thế giới, trong đó có các đại gia Thái Lan gần đây đã khiến không ít người đặt câu hỏi về mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Một điều đáng ngạc nhiên là theo một số xếp hạng quốc tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn đang kém khá xa so với rất nhiều nước, trong đó có các nước tương đối tương đồng trong khu vực như Malaysia, Thái Lan. Hồi cuối tháng 10, WB xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015 của Việt Nam chỉ đứng thứ 78, kém khá xa so với vị trí thứ 18 của Malaysia và 26 của Thái Lan.
Hàng loạt thương vụ đại gia Thái nhắm tới các DN hàng đầu của VN rấy lên lo ngại về khả năng DN trong nước mất vị thế trên thị trường nội địa. |
Mặc dù vậy, nhiều con số khác như đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam vẫn đang gia tăng về con số thực. Hàng loạt các vụ M&A trong đó có các vụ M&A của DN Thái nói trên cho thấy một thực tế hấp của thị trường Việt Nam.
Nếu như các đại gia Hàn Quốc như Samsung, Huyndai, LG, Doosan, Kumho Asiana, Posco… chọn Việt Nam như một cứ điểm đầu tư, sản xuất hướng tới khu vực ASEAN và toàn cầu thì không ít các DN Thái Lan cũng nhắm tới Việt Nam như một thị trường sôi động và là cửa ngõ để hướng tới các thị trường khác.
Theo đánh giá của các báo chí quốc tế, các tập đoàn như SCG, PTT, Samsung… đang nắm rất nhiều tiền mặt trong tay. Chính vì thế mà họ cần phải đầu tư để sinh lời. Việt Nam là một lựa chọn tốt bởi vị thế quan trọng trong khu vực cũng như tốc độ hội nhập rất nhanh của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.
Các tập đoàn đã có truyền thống ở Việt Nam tiếp tục phát triển sản xuất dữ dội như Samsung, trong khi đó những tập đoàn mới có thể tạo lập vị thế thông qua các vụ M&A vào các DN hàng đầu của Việt Nam.
Trên thực tế, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra các thách thức đối với các DN cũng như các ngành sản xuất trong nước. Sự thống trị của CP trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và giống gia cầm là một ví dụ.
Hiện tại, không ít các DN sản xuất trong nước tỏ ra lo ngại với những bước đi mạnh mẽ của các đại gia bán lẻ thế giới như BigC, Metro, AEON… Hay như trong lĩnh vực nhựa, đại gia The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd của Thái nắm cổ phần lớn tại 2 DN nhựa hàng đầu Việt Nam là Bình Minh và Tiền Phong cũng khiến nhiều người lo ngại. Các đại gia ngoại này có thể sẽ mượn hệ thống phân phối của Bình Minh và Tiền Phong để đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam.
Gần đây, Bộ Tài chính Thái Lan vừa kiến nghị lên chính phủ nước này một số biện pháp nhằm biến Thái Lan trở thành trung tâm thương mại quốc tế của ASEAN khi Cộng đồng chung khu vực này được hình thành vào cuối năm 2015. Thái sẽ cạnh tranh với Singapore trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đưa hàng hóa thập nhập vào các thị trường khác thông qua các DN của chính các nước sở tại cũng là một cách được tính tới. Trong 10 tháng đầu năm, Thái Lan cũng chứng kiến gần 6 tỷ USD hàng hóa xuất vào Việt Nam.
Huấn Tú