Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đội lốt cá tầm VN tràn ra thị trường với giá rẻ gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi cá nội địa.

Hiện nay, dù chưa có một con số thống kê chính xác nhưng Bộ NN-PTNT thừa nhận việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía bắc đang diễn biến rất phức tạp. Đáng lo hơn, cá tầm nhập khẩu vào VN không qua kiểm dịch, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.


{keywords}
Người nuôi cá tầm ở VN đang “gánh” thiệt hại lớn do nạn nhập lậu cá tầm - Ảnh: Quang Duẩn

Chúng tôi đã kiến nghị nhiều rồi. Sau khi có kiến nghị, cơ quan hữu trách vào cuộc, bắt được một vài lô cá tầm nhập lậu, nhưng rồi ít lâu sau, đâu lại vào đấy


Ông Đỗ TiếnThắng
Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp nuôi và phân phối cá tầm trên cả nước tại hội nghị tổng kết hoạt động Hội Phát triển cá nước vùa diễn ra tại Đà Lạt (Lâm Đồng), cá tầm Trung Quốc nhập lậu đang “núp bóng” cá tầm VN để bán cho người tiêu dùng nội địa. Tình trạng này gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi cá tầm nước nhà. Ông Lê Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cá tầm VN, cũng cho rằng người tiêu dùng trong nước đang bị lừa khi nhiều nhà hàng, siêu thị đang bán cá tầm Trung Quốc “đội lốt” cá tầm VN.

Là người nuôi cá tầm tại Sa Pa (Lào Cai), ông Đỗ Tiến Thắng, Giám đốc Công ty Thiên Hà, nói thẳng cá tầm Trung Quốc thẩm lậu vào nước ta bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, mỗi ngày có tới 4-5 xe, tương đương cả chục tấn. Ông Nguyễn Trường Toàn, Giám đốc Công ty Trường Toàn, người đang cung ứng cá tầm VN và tham gia phân phối cá tầm Trung Quốc tại TP.HCM, khẳng định gần như 100% cá tầm Trung Quốc ở thị trường VN là nhập lậu. "Cá tầm là cá đặc sản, người nuôi đang có lãi. Cá tầm nhập lậu đè một cái, nhiều người không dám nuôi nữa cho dù mặt nước hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu... rất tốt cho việc nuôi cá tầm”, ông Thắng bức xúc. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều rồi. Cơ quan hữu trách vào cuộc, bắt được một vài lô cá tầm nhập lậu, nhưng rồi ít lâu sau, đâu lại vào đấy”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Trên thực tế, Bộ NN-PTNT đã từng có văn bản đề nghị các bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có biện pháp tăng cường kiểm soát và xử lý việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua cửa khẩu biên giới. Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh, cũng cam kết thời gian tới hội sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể để đấu tranh với các sản phẩm cá tầm nhập lậu.

Sau 9 năm kể từ ngày được đưa vào nuôi thử nghiệm ở VN, đến nay, cá tầm đã được nuôi ở cả 3 miền của đất nước, trong đó nhiều nhất là tại Lâm Đồng. Sản lượng cá tầm dự kiến trong năm 2013 là 900 tấn, trong đó Lâm Đồng 450 tấn, các tỉnh miền núi phía bắc 250 tấn, miền Nam và Tây nguyên (trừ Lâm Đồng) 240 tấn.
Chưa cấp giấy phép nhập khẩu cá thương phẩm

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Cites VN, cho biết cá tầm có tên trong danh sách thuộc phụ lục của Công ước quốc tế về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Cites). Đây là loài cần được bảo vệ nên việc xuất - nhập khẩu bắt buộc phải có giấy phép hợp pháp của Cites. “Từ trước đến giờ, Cites VN mới chỉ cấp giấy phép cho một số công ty nhập khẩu trứng cá tầm và cá tầm giống vào VN, chưa cấp giấy phép nào cho phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm vào nước ta. Cá tầm Trung Quốc đang bày bán ngoài thị trường toàn là hàng nhập lậu”, ông Tùng nói.

(Theo Thanh Niên)